Thắt vào và thả ra

ANTĐ - Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế vĩ mô, xu hướng “hạ nhiệt” của giá lương thực, giá dầu thế giới cộng hưởng với giá xăng dầu, gas, trong nước giảm gần đây, khả năng hạ nhiệt của chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5 là khá chắc chắn. Mức CPI tháng này dự báo sẽ tăng khoảng 6,8-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay điều đáng lo ngại là thiểu phát.

Thực ra, lãi suất liên tục hạ trong hai tháng qua và ở mức 9%/năm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp 0,2% hồi cuối tháng 5, chứng tỏ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn và lãi suất cho vay chưa giảm như kỳ vọng. Giải ngân của các ngân hàng vẫn còn chậm dù thanh khoản đã được cải thiện, trong khi nền kinh tế đang suy giảm. Thế nhưng, nhiều ngân hàng nhỏ lại “đầu têu” chạy đua lãi suất huy động kỳ dài hạn. Điều này chỉ tạo thêm cơ hội cho khối ngân hàng thương mại vốn được “chiều chuộng”, lãi càng “khủng” còn doanh nghiệp lại phải chật vật, xoay xở nhặt nhạnh từng đồng. Một chuyên gia ngân hàng nhận xét việc các ngân hàng chạy đua lãi suất kỳ hạn như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực kéo lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm xuống. 

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là đưa trần lãi suất huy động xuống mức 9%/năm, sau đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực trên sẽ là 12%/năm. Vì thế, nếu huy động vốn trung và dài hạn vượt quá cao như hiện nay thì khả năng các ngân hàng cho vay ở mức 12%/năm là rất khó khăn. Trong tình hình kinh tế suy giảm, chủ trương giảm lãi suất cho vay đã được Chính phủ khẳng định nhiều lần, việc “thả nổi” cho thị trường vốn trung và dài hạn, coi như dập tắt hy vọng của doanh nghiệp và người dân. Gần đây trên thị trường Hà Nội đã xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại. Sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động xuống chỉ còn 9%, nhiều người gửi tiền bị gạ gẫm đã mạo hiểm rút tiền ngân hàng, chuyển qua những đầu mối chuyên cho vay với lãi suất lên tới 3%/tháng, tức là khoảng 36%/năm. Hấp dẫn quá mạnh hơn hẳn lãi suất ngân hàng khiến nhiều người gửi tiền ngân hàng hoa mắt quyết định rút ra để “chơi” tín dụng đen. Rủi ro và đổ vỡ của loại tín dụng đen, tín dụng ngoài luồng này cần được cảnh báo sớm. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn khuyến cáo, chặn ở đầu lãi suất từ 12 tháng trở xuống, nhưng lại thả nổi lãi suất từ kỳ hạn trên 12 tháng làm cho ở đâu đó xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh và làm cho thị trường méo mó. 

Ngân hàng Nhà nước giải thích việc quy định lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng. Vậy thì ai tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang “đói vốn”? Ai sẽ được hưởng lợi khi lãi suất đầu vào thắt chặt và thả nổi đầu ra?