Thật khó thuyết phục

(ANTĐ) - Vào mùa “cao điểm” điện năm nay, ngành điện lực thở phào bởi những trận mưa “vàng”. Thời tiết trở nên “dịu dàng” một cách đáng ngờ. Buổi trưa oi bức, nhưng chiều tối và đêm lại có phần mát mẻ, dễ chịu. Ai cũng nghĩ, mùa hè này sẽ đỡ khổ vì thiếu điện. Vậy mà, nghe đâu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang rậm rịch đề xuất tiếp tục tăng giá điện từ ngày 1-8 tới.

Ảnh minh hoạ

Từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường kể từ ngày 1-6, doanh nghiệp và người dân không khỏi phấp phỏng lo điện lại tăng giá. Bởi theo cơ chế thị trường, nếu giá nhiêu liệu đầu vào như dầu, khí, than tăng thì giá điện có thể tăng một vài lần trong một năm, chứ không chỉ mỗi năm “đến hẹn” lại tăng một lần như trước. Mối lo càng tăng thêm bởi tại buổi giao ban Bộ Công Thương mới đây, EVN lại tiếp tục tung ra thông điệp rằng, trong thời gian tới nếu không điều chỉnh giá điện, ngành điện sẽ khó khăn và đề xuất đưa khoản lỗ hơn 8.000 tỷ đồng năm 2010 của EVN vào trong cấu thành giá điện mới để bù lỗ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lại cho rằng, dù giá điện đã được vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chưa nên tăng giá điện, ngay cả ở mức dưới 5%. Ông chủ tịch còn quả quyết, EVN khó lòng thuyết phục việc tăng giá điện.

Lời phát biểu này quả thật khiến không ít người “sửng sốt” vì còn nhớ cách đây chưa lâu, chính ông đã từng lên tiếng “bênh” ngành điện. Tại thời điểm ngày 1-3 năm nay, ông Chủ tịch nói rằng mức tăng giá điện 15,28% là quá thấp. Trước đó nữa, cũng chính Hiệp hội Năng lượng đã từng trực tiếp “kêu” lên Chính phủ cho phép EVN tăng giá điện lên mức 8cent Mỹ/kWh (hiện giá điện trung bình là 6 cent/kWh). Vì sao có sự “bất nhất” như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông chủ tịch hiệp hội khẳng định, năm nay ngành điện gặp nhiều thuận lợi, chủ yếu phát điện bằng nguồn thủy điện và nhiệt điện, chưa phải phát điện giá cao chạy dầu như mùa khô năm ngoái. Hơn thế, giá thủy điện, nhiệt điện và cả giá điện mua của Trung Quốc hiện đã thấp hơn giá điện bán ra. Vì vậy, chưa kể mục tiêu kiềm chế lạm phát kinh tế khó khăn, ngành điện đòi tăng giá vào thời điểm này là rất “khó nghe”.

Trong khi đó, EVN lập luận tiếp tục tăng giá điện là để “cải thiện tình hình tài chính”, nhất là lỗ vì tỷ giá và họ đã có cơ sở pháp lý cho phép tăng giá điện dưới 5% nếu chi phí đầu vào cao hơn giá điện hiện tại. Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng, “bác” lại rằng, điều “đau đầu” nhất của EVN lúc này là chứng minh giá đầu vào để thuyết phục tăng giá điện. Với những thuận lợi “trời cho” về thủy điện và nhiệt điện như nói ở trên, thì EVN khó lòng chứng minh được giá đầu vào đã tăng so với giá điện hiện tại để thuyết phục chuyện tăng giá. “Bài toán” thiếu vốn, tài chính khó khăn đang là khó khăn chung của tất cả các dự án điện chứ không riêng gì EVN. Thế nên, EVN đòi tăng giá càng sớm càng tốt cũng là điều dễ hiểu. Quyết định của Thủ tướng cho phép EVN tăng giá mức 5% trở xuống nếu giá đầu vào thay đổi, song không hiểu EVN làm cách nào để chứng minh được các yếu tố cấu thành giá điện?

Thật khó thuyết phục việc tiếp tục tăng giá điện, nếu không “cân đong” được hệ thống điện quốc gia sẽ vận hành theo tình trạng nào. Thủy điện bao nhiêu, nước về hồ ra sao, rồi nhiệt điện bao nhiều phần trăm? Giá làm nên 1kWh không chỉ đơn giản có nhiệt điện, thủy điện, điện mua từ Trung Quốc mà còn có cả cái giá phải trả của nền kinh tế, của người tiêu dùng.