Thật khó thay đổi thói quen cả triệu học sinh

ANTĐ - Hà Nội chính thức thay đổi giờ học, nhiều khó khăn đã được ngành giáo dục lường trước như ùn tắc vì thời điểm giao ca sáng và chiều quá ngắn, nhiều học sinh sẽ phải về nhà ăn cơm muộn và ít thời gian học buổi tối... vì thế công tác chuẩn bị đang được triển khai trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh, phụ huynh, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

Lo ngại ùn tắc ở các cổng trường vào thời điểm giao ca

- PV: Với quy định thay đổi giờ học, Hà Nội sẽ có bao nhiêu học sinh đi học theo giờ học mới?

- Ông Nguyễn Hiệp Thống: Theo thống kê của Sở

GD-ĐT Hà Nội, trong số 12 quận, huyện thực hiện giờ học mới sẽ có khoảng 900 trường với trên 510.000 học sinh học theo giờ học này. Con số này chiếm khoảng 30% trên tổng số 2.500 trường học và gần 1,5 triệu học sinh trên toàn thành phố sẽ chịu tác động ở những mức độ khác nhau theo mỗi bậc học.

- PV: Trong các cấp học thì THPT là thay đổi nhiều nhất, vậy Sở GD-ĐT có phương án để thay đổi cách bố trí tiết học và giáo viên không?

- Ngay sau khi có quyết định thay đổi giờ học của thành phố, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Sở cũng triệu tập Trưởng phòng GD-ĐT 12 quận, huyện, các Hiệu trưởng TCCN, THPT để nghiên cứu, quán triệt quyết định của thành phố và yêu cầu thông báo đến từng gia đình học sinh. Theo đó, các đơn vị vừa phải chủ động sắp xếp lịch làm việc và học tập để thực hiện đúng quy định đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Lao động. Sở cũng yêu cầu trong những ngày đầu thực hiện quy định, các trường phải tạo điều kiện cho những học sinh dù có bị đến muộn nhưng vẫn được vào lớp, hoặc có biện pháp quản lý học sinh khi cha mẹ đến đón muộn.

- PV: Nhiều phụ huynh quan tâm là nhiều người làm việc trong ngành dịch vụ sẽ phải ở cơ quan tới 19h, vậy các trường có kế hoạch trông giữ trẻ như thế nào?

- Các trường chưa có thống kê số học sinh có cha mẹ làm trong ngành dịch vụ phải làm việc đến 19h, nhưng so với trên 510.000 phụ huynh học sinh thì đây không phải là số đông. Các gia đình sẽ phải chủ động thu xếp hoặc bàn bạc với nhà trường để có biện pháp khắc phục. Thực ra không có một giải pháp nào có thể đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng nên trước hết cần quan tâm đến lợi ích của số đông.

- PV: Vậy khó khăn mà ngành giáo dục dự tính khi thực hiện quy định mới này là gì?

- Việc thay đổi thói quen của một cá nhân đã khó, thay đổi nếp sinh hoạt của số lượng lớn học sinh kèm theo từng đấy gia đình lại càng khó hơn. Chúng tôi rất quan tâm đến việc học sinh tan sau 19h sẽ phải về nhà ăn cơm rất muộn vì nhiều trường hợp học sinh đi học xa nhà do không phân tuyến theo phường, quận như bậc tiểu học và THCS. Hoặc với bậc THCS thì thời gian giữa kết thúc ca sáng và bắt đầu ca chiều chỉ có 15-20 phút để ca chiều có thể về lúc 17h rất có thể gây ùn tắc trước cổng trường. Tuy có thể có khó khăn, nhưng hiện tượng ùn tắc giao thông Thủ đô, gây thiệt hại về kinh tế, về thời gian của toàn xã hội, gây bức xúc lớn trong dư luận. Thành phố sẽ phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có việc điều chỉnh thời gian học tập và làm việc. Hầu hết các cơ sở trên địa bàn thành phố sẽ có điều chỉnh và đương nhiên ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc vì vậy cần phải từng bước khắc phục khó khăn để thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện sẽ xem xét thực tế và điều chỉnh cho phù hợp để thật sự mang lại hiệu quả. Chúng tôi yêu cầu đến ngày 15-2, các trường đã thực hiện thay đổi giờ học sẽ báo cáo về Sở nếu có những khó khăn phát sinh để có biện pháp hỗ trợ khắc phục.