Thắt hơi quá chặt

ANTĐ - Báo cáo trước Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tám về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, mặc dù còn không ít hạn chế yếu kém, nhưng hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt và vượt. 

Báo cáo của người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến những tồn tại trong công tác điều hành như môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm; thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Sản xuất kinh doanh chưa hết khó khăn, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng. Năng lực tài chính và quản trị của phần lớn doanh nghiệp còn hạn chế. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn khá lớn, nhất là trong thanh niên.

Một vấn đề nổi bật trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, thực tế kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không còn là thành tích, thậm chỉ nó có nguy cơ ngày càng lao dốc, trong khi mức tăng hợp lý của CPI luôn được coi là chất bôi trơn cho sự vận hành của “cỗ xe” kinh tế. Chỉ tiêu tăng CPI năm 2014 dự báo chỉ đạt 4,5-4,7%, thấp hơn kế hoạch. Tình hình CPI 9 tháng qua cũng chỉ ở mức tăng 2,25%. Như vậy, trong 3 năm nay CPI là đáng lo ngại, không phải vì leo cao mà ngược lại. Nếu có tăng chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, hệ quả này chứng tỏ chính sách kinh tế có phần thắt quá chặt, tác động mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, giảm tổng cầu. 

Cử tri đặc biệt nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, phải giải thể, ngừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của hàng vạn người lao động và giảm nguồn thu ngân sách. Trong báo cáo đánh giá tình hình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát phải gắn với tiến bộ, nâng cao đời sống của nhân dân, để tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.