“Thắt” hay “thít”?

ANTĐ - Mặc dù đến nay, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được thực hiện hơn 7 tháng, nhưng vẫn chưa thấy một sơ kết hay một báo cáo đánh giá tác động thực sự của Nghị quyết 11 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của giới doanh nghiệp. Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm nhằm đánh giá tác động của lạm phát và việc thực hiện Nghị quyết 11 đối với hoạt động của doanh nghiệp. Quả là một cơ hội hiếm hoi để các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trụ cột các ngành hàng “xả” hết những bức xúc dồn nén bấy lâu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong hơn nửa đầu năm nay, cả nước đã có 39.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký ước đạt 230.200 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 4,7% về số lượng và 12,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, có tới 30% số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, đóng cửa, giải thể hoặc phá sản. Khảo sát 70 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn của Nhà nước và tư nhân cho thấy, chỉ có 13,3% doanh nghiệp hầu như không bị “xây xước”, phần lớn còn lại đều bị tác động và ảnh hưởng, trong đó có hơn 16% số doanh nghiệp bị “tổn thương” nặng. Khá nhiều doanh nghiệp lao đao, khốn đốn, trong đó có cả những đại gia “một thời vang bóng” trên thị trường bất động sản đã lỗ nặng trong quý II-2011 tới 114 tỷ đồng.

Theo kết quả khảo sát, hiện có tới 16% doanh nghiệp đang “rơi tự do” trong tình thế phải gia hạn nợ gốc, lãi vay. Đặc biệt, do cào bằng không xác định và phân loại rõ cho vay bất động sản thiết yếu hay không thiết yếu nên hầu hết các ngân hàng đã “khóa sổ” cho vay. Bởi thế, rất nhiều dự án bất động sản thiết yếu như nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tư hạ tầng công nghiệp cũng bị “vạ lây”.

Giám đốc một doanh nghiệp (không muốn nêu danh) tỏ ra bức xúc, trong bất động sản có nhiều phân khúc như nhà ở xã hội, nhà cho tái định cư, nhà ở cho những đối tượng thu nhập thấp đều gắn chặt với giải pháp an sinh xã hội của Chính phủ tại Nghị quyết 11, vậy vì sao ngân hàng lại hạn chế tín dụng? Trước áp lực thắt chặt tiền tệ, nhiều doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh dịch vụ buộc phải giở “bài võ cổ truyền” chiếm dụng vốn. Dù đã cố tiết giảm chi phí, thu hẹp sản xuất mà khó khăn vẫn không giảm bớt. Vì thế đang có tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau, chây lì trả nợ càng nhiều, càng lâu thì càng tốt.

Lý giải nguyên nhân gây ra khó khăn thực ra không khó khăn gì. Đó là chi phí sản xuất tăng do lãi vay, chi phí trả lãi vốn vay tăng từ 20-30% so với cùng kỳ. Thực tế diễn ra nghịch cảnh là, tỷ trọng chi phí trên tổng doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2010 nhưng lợi nhuận nằm “bất động”. Bởi thế, tình trạng tài chính của hầu hết các ngành điện, sắt thép cũng như nhiều thành viên của các tập đoàn, tổng công ty trong nhiều lĩnh vực đều trở thành hết sức khốn khó.

Tại cuộc tọa đàm “nóng” này, hàng chục tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp then chốt đều “đồng thanh” lên tiếng, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang chuyển từ “thắt” sang “thít chặt”, khiến cho tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong năm nay chắc chắn chỉ dưới 15% thay vì dưới 20% như mục tiêu đề ra. Khi đó, có nhiều khả năng nền kinh tế sẽ lại trượt dốc “không phanh” xuống đáy suy giảm. Doanh nghiệp “kiệt sức” vì thắt chặt tiền tệ, sản xuất đình trệ, kịch bản lại diễn ra như cách đây 3 năm. Không thể nới lỏng tiền tệ nhưng thắt chặt không có nghĩa là “thít chặt”.