“Thất bát” mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

ANTĐ - Học phí thấp ở mức “không thể thấp hơn” cũng không cứu vãn nổi tình trạng thiếu đầu vào ở nhiều trường ĐH ngoài công lập. Tình trạng “ế ẩm” cũng nan giải không kém với các trường CĐ khi đào tạo liên thông bị siết chặt.

Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập băn khoăn không biết thí sinh đi đâu?

Tuyển không được 1/10

Đầu mùa tuyển sinh, các trường ĐH ồn ào với việc được xét duyệt bao nhiêu chỉ tiêu so với mức đưa ra. Tuy nhiên, nếu tính đến thời điểm cuối cùng của mùa tuyển sinh năm nay thì việc siết chặt chỉ tiêu đào tạo chính quy với nhiều trường của Bộ GD-ĐT cũng không có ý nghĩa gì mấy bởi mức tuyển thực tế chỉ được có 1/10 so với mức được giao.

Thực tế, các trường ĐH công lập và một số ít trường ngoài công lập đều đã ổn định học tập từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, với không ít trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì hy vọng về một mùa tuyển sinh đủ để đảm bảo duy trì hoạt động của trường mới chính thức khép lại với thời hạn 31-10 kết thúc 3 đợt xét tuyển ĐH, CĐ của năm 2013. 

Tình trạng tuyển sinh không mấy khả quan được phản ánh qua con số đầu vào thấp của hàng loạt trường như ĐH Hòa Bình chỉ nhận được khoảng 150 hồ sơ so với 600 chỉ tiêu đào tạo cho năm học này. ĐH Chu Văn An cũng chỉ nhận được trên dưới 100 hồ sơ xét tuyển, trong khi số chỉ tiêu được giao lên tới 1.000. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh, với mức 6,5 triệu đồng/năm,  không có trường nào mức học phí thấp như trường ĐH Lương Thế Vinh, ngoài ra sinh viên còn nhận được nhiều hỗ trợ khác từ nhà trường nhưng số thí sinh vào trường vẫn rất hạn chế.

Trường ĐH Thành Đông, Hải Dương mong muốn khắc phục tình trạng tuyển sinh èo uột bằng cách “vay tạm” của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 50 chỉ tiêu. GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, ông đồng ý chia sẻ với khó khăn của trường bạn nhưng với điều kiện Trường ĐH Thành Đông phải tự thuyết phục các sinh viên về học tại Hải Dương và kết quả thấy trước là không khả quan.

Trong khi đó với công bố của Bộ GD-ĐT, số dư thí sinh có điểm trên mức sàn năm nay lên tới 238.726 thí sinh, đã đảm bảo cho các trường ngoài công lập không thể thiếu nguồn tuyển. 

Sẽ phải chấp nhận giải thể

Trước khó khăn này, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng tự đặt câu hỏi không biết năm nay thí sinh chạy đi đâu vì đến hạn cuối, trường vẫn còn thiếu hàng trăm chỉ tiêu hệ ĐH; hệ CĐ tuyển sinh còn khó hơn và hệ trung cấp chuyên nghiệp thì đặc biệt thiếu. Với tình trạng này, GS Trần Hữu Nghị cho biết, trường sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho xét tuyển riêng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra ý kiến trình Bộ GD-ĐT xin được tuyển sinh theo cơ chế đặc thù. “Theo đó, trường sẽ tổ chức một kỳ thi riêng và bồi dưỡng thêm kiến thức cho những thí sinh trúng tuyển ở kỳ thi. Chúng tôi mong muốn có được cơ chế này, cần thay đổi phương thức đào tạo mở đầu vào, siết đầu ra chứ không thể đào tạo theo hình ống như hiện nay” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Tương tự, lãnh đạo các trường ngoài công lập đều cho rằng, họ không thể chờ đến sau năm 2015 để được tự chủ tuyển sinh, thực hiện xét tuyển theo điểm tốt nghiệp và hồ sơ THPT bởi lẽ cứ thêm một mùa tuyển sinh “thất bát”  thì khả năng giải thể trường lại càng gần hơn. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng kiên quyết kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm giao tự chủ tuyển sinh cho các trường theo Luật Giáo dục ĐH, đặc biệt là khi thi “3 chung” được cho là đã lạc hậu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Phải sau năm 2015 các trường ĐH, CĐ mới có thể thực hiện phương án tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận thi tốt nghiệp để xét tuyển. Khi đó, việc công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ phải kết hợp kết quả đánh giá quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh. Tuy nhiên, theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, kể cả Bộ GD-ĐT có cho các trường tự tuyển sinh hay chỉ xét tuyển thì vẫn sẽ có những trường phải chấp nhận giải thể vì không có người học. Chắc chắn chỉ có trường nào gây dựng được uy tín, lòng tin với người học thì mới được xã hội công nhận chứ không thể trông chờ bằng các biện pháp tuyển sinh có tính hình thức nói trên.