Thất bại vì hạn chế ngoại ngữ

ANTD.VN - Lần đầu tiên nhan sắc Việt lọt vào phần thi ứng xử tại một trong những đấu trường sắc đẹp lớn nhất thế giới. Tiếc là người đẹp làm nên bất ngờ này - Nguyễn Thị Lệ Nam Em đã phải dừng chân đầy tiếc nuối. Lỗi ban đầu ai cũng nhìn ra là vì người phiên dịch đã không phối hợp ăn ý với cô, nhưng mọi chuyện rõ ràng không đơn giản là vậy.

Sau đêm chung kết “Hoa hậu Trái đất 2016” vừa khép lại tại Phillippines, không ít người trách móc, thậm chí “ném đá” người đẹp Nam Em về việc cô không thể trả lời ứng xử bằng tiếng Anh và phải nhờ đến người phiên dịch, mà không may gặp đúng người có trình độ không tốt nên màn thi của Nam Em mới trở thành “thảm họa”.

Đáp lại, Nam Em chia sẻ cô không chọn trả lời ứng xử bằng tiếng Anh vì muốn sử dụng tiếng Việt để nội dung câu trả lời có chiều sâu hơn và tiếng Việt được nhiều người biết đến hơn. Cũng theo Nam Em thì cô có thể trả lời bằng tiếng Anh nhưng muốn câu trả lời của mình có tính rộng rãi và khái quát hơn chứ không chỉ dừng lại ở nội dung cơ bản. 

Tuy nhiên lý giải của Nam Em chưa làm khán giả thỏa mãn bởi câu trả lời ứng xử bằng tiếng Việt của cô cũng chỉ dừng lại ở mức độ súc tích và đúng ý chứ chưa phải câu trả lời có chiều sâu và hay. Việc hạn chế về ngoại ngữ mới được cho là lý do chính khiến Nam Em cực chẳng đã phải nhờ đến phiên dịch.

Để rồi không ít người tiếc nuối về màn thi này của Nam Em. Có người gọi đây là cú “ngã ngựa” lịch sử của nhan sắc Việt, là gáo nước lạnh dội vào trình độ ngoại ngữ của các người đẹp Việt Nam. Bởi lẽ ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế, việc thí sinh có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ là một lợi thế được đánh giá cao.

Và riêng ở phần thi ứng xử, cùng với chất lượng câu trả lời thì sự bình tĩnh, tự tin cùng khả năng trả lời lưu loát bằng tiếng Anh chính là những dấu cộng để lấy điểm từ Ban giám khảo.

Nhiều ý kiến cho rằng thất bại của Nam Em một phần là do ngoại ngữ hạn chế

Tuy nhiên công bằng mà nói, kể cả khi Nam Em trả lời tốt phần thi ứng xử của mình thì cơ hội đi xa hơn vẫn được chia đều cho các ứng cử viên còn lại trong Top 8. Thế nên cũng không nên đổ hết lỗi cho Nam Em khi cô phải dừng lại ở phần này. Có điều đáng buồn là việc cô không dám nhìn thẳng và thừa nhận sự thật về vốn liếng ngoại ngữ hạn chế của mình.

Nam Em không phải người đẹp đầu tiên thi quốc tế gặp phải những rắc rối chỉ vì rào cản ngôn ngữ. Sự cố của cô khiến người ta nhớ đến màn nói tiếng Anh… không ai hiểu của Hoa hậu Đông Nam Á - Thu Vũ khi làm giám khảo tại một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức ở nước ngoài.

Khi ấy, Thu Vũ từng thanh minh sở dĩ cô phát âm tiếng Anh chưa chuẩn là tại… micro, rồi tại chất giọng đặc trưng của người Việt, do run, do xúc động… và sau cùng là do không có điều kiện học tiếng Anh như lớp trẻ bây giờ. Cũng bởi sự vòng vo này mà Thu Vũ từng nhận không ít “gạch đá” từ dư luận. 

Phàm thì khi phải thể hiện cái gì không thạo, không chắc người ta sẽ cảm thấy thiếu tự tin. Đó là lý do mà nhiều người đẹp Việt thường lộ rõ sự lúng túng trong việc giao tiếp bằng ngoại ngữ khi thi thố ở xứ người.

Chưa kể, xuất hiện trong các clip giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh ở những cuộc thi này, dù đã được chuẩn bị trước, kiểu như “học vẹt” cũng có thể “trả bài” song nhiều nhan sắc Việt vẫn ngập ngừng ấp úng, thậm chí còn nói sai ngữ pháp và phát âm chưa chuẩn. Đó cũng được cho là lý do khiến nhiều người đẹp sau khi đoạt giải tại các cuộc thi trong nước rất ngại và từ chối đi thi quốc tế. 

Cuộc thi sắc đẹp uy tín bậc nhất toàn cầu “Hoa hậu Thế giới” từng xem xét bỏ phần thi trang phục áo tắm với suy nghĩ hình thể không còn là tiêu chí quan trọng hàng đầu để tìm ra người đẹp xứng đáng đội trên đầu vương miện. Đó cũng là xu hướng chung của các sân chơi sắc đẹp trong nước cũng như quốc tế.

Tất nhiên, Hoa hậu thì phải đẹp, nhưng cái đẹp không chỉ nằm ở gương mặt hay vóc dáng mà còn ở khả năng ứng xử, giao tiếp và tự tin làm chủ bản thân trước đám đông. Muốn vậy, đương nhiên người đẹp nhưng cái đầu không được phép “rỗng”.

Cũng bởi xu hướng ấy mà người đẹp Việt, nếu không chịu trau dồi khả năng ngoại ngữ thì sẽ khó có được bản lĩnh và sự tự tin khi giao tiếp bên lề chứ chưa nói gì đến trả lời ứng xử trên sân khấu nước ngoài.