Thất bại phân ban trung học phổ thông

ANTĐ - Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thông tin đáng chú ý nhất từ báo cáo là phân ban THPT đã không đạt mục tiêu.

Nhiều tồn tại ở bậc học THPT đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết

Mất cân đối “dạy chữ” - “dạy người”

Ghi nhận “phân ban ở cấp THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi cho biết, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng  nghĩa, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học. Từ năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học Ban Cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học Ban Khoa học Tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học Ban Khoa học Xã hội & Nhân văn. Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy, hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên đều chỉ tổ chức dạy học theo Ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh. “Như vậy, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công” – ông Đào Trọng Thi nói. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai góp ý: “Báo cáo giám sát đã mạnh dạn nói phân ban thất bại, vậy tới đây, phân hóa ở giáo dục phổ thông sẽ như thế nào? Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này”.

Về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT- SGK), bên cạnh một số mặt tích cực, đoàn giám sát thẳng thắn chỉ ra CT- SGK được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong CT- SGK chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”. Kiến thức trong SGK một số môn bị phân khúc, tách rời, ngắt quãng, thiếu tính liên thông; việc xác định khối lượng và tính chất những đơn vị kiến thức được lựa chọn đưa vào CT-SGK ở một số môn còn thiếu tính sư phạm, chưa gắn với thực tiễn. Ông Đào Trọng Thi nói: “Những hạn chế trong việc triển khai CT-SGK vừa qua chủ yếu là do công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện CT-SGK một cách nghiêm túc và sâu sắc, sớm hoàn chỉnh dự thảo Đề án đổi mới CT-SGK sau năm 2015, công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để hoàn thiện và tạo sự đồng thuận; chuẩn bị thật kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện Đề án”.

Ngành giáo dục phải chiến thắng chính mình

Nhìn thẳng vào thực tế, đoàn giám sát nhận xét: “Quản lý Nhà nước về giáo dục vẫn tồn tại tình trạng quan liêu, bao cấp, còn ôm đồm, sự vụ. Công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều bất cập, chậm đưa ra những quyết sách đồng bộ, hiệu quả ở tầm vĩ mô. Một số bức xúc trong xã hội vẫn chưa được khắc phục như: tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; lạm thu trong các nhà trường; tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục...”.

Góp ý vào báo cáo giám sát, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói: “Tôi chưa hài lòng vì báo cáo chưa nêu được vấn đề then chốt để tháo gỡ cho vấn đề SGK. Qua 3 đời Bộ trưởng nhưng “cuộc chiến” SGK chưa dừng. Góp ý, trao đổi nhiều lắm rồi nhưng sao CT-SGK vẫn chưa hạ màn? Phải làm rõ những cuộc cải cách SGK có gì mới? Còn cái gì cần khắc phục sửa chữa? Đừng để cứ tranh luận mãi không có hồi kết”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng: “Hiện nay, xã hội đang kêu ca CT-SGK nặng nề, lệch lạc, chú trọng dạy chữ hơn dạy làm người. Vì thế, báo cáo cần chỉ ra cụ thể hơn cần bỏ môn học nào, thêm môn nào... Cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông và các giải pháp để giúp cho Bộ GD-ĐT tới đây triển khai”.

Tự nhận mình là “người ngoại đạo” song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cũng nhận thấy, CT-SGK thiếu hơi thở thời đại và không sát nhu cầu thực tiễn. Ông phê bình: “CT-SGK thiếu tính liên hoàn, nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu kiến thức phổ thông. Dạy như vậy là gây lãng phí thời gian, tiền của của xã hội, gây áp lực cho giáo viên”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, muốn cải cách thành công, ngành giáo dục cũng phải chiến thắng chính mình, kìm lại lợi ích của ngành để vì cộng đồng, xã hội. Ông kể: “Tôi có hỏi người bạn làm công tác giảng dạy xem có biết được những bất cập, chồng chéo của ngành không. Ông ta đáp là có biết cả nhưng nếu cải cách thì số giáo viên thừa ra sẽ bỏ đi đâu!?”