Thấp thỏm thưởng tết

ANTĐ - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tâm trạng những người làm công ăn lương, nhất là những tầng lớp thu nhập thấp, người lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty đã chộn rộn, thấp thỏm mong chờ tiền thưởng tết. Dù ít, dù nhiều, thậm chí đã nghe phong thanh năm nay rất khó khăn không có khả năng được thưởng tết, nhiều người vẫn nuôi một chút hy vọng. Nhìn chung năm nay không khí thưởng tết, đón tết trầm lắng hơn năm ngoái rất nhiều.

Cũng dễ hiểu thôi, hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất vô thời hạn; hàng chục vạn lao động thất nghiệp, mất việc; hàng tồn kho chồng chất trong hầu như mọi ngành. Không hoạt động, không sản xuất thì lương còn lo sốt vó nói gì tới chuyện thưởng tết. Những năm trước, bản thân các ngành như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí… có tiếng là mức thưởng tết cao ngất ngưởng lên tới hàng trăm triệu đồng, thì năm nay được đánh giá sẽ có mức thưởng thấp và thua xa mọi năm. Ngay cả những tập đoàn, tổng công ty có “máu mặt” như điện lực, ngân hàng, tài chính cũng tuyên bố không có thưởng tết. Theo đại diện Vụ Lao động tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu so sánh số liệu tình hình lương thưởng tết năm nay với năm ngoái thì có mức chênh lệch khá lớn giữa các doanh nghiệp, công ty phía Bắc và phía Nam, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như giữa các ngành nghề khác nhau.

Nếu như năm ngoái, đến thời điểm này, ở thành phố Hồ Chí Minh đã có tới hơn 1.000 doanh nghiệp báo cáo tình hình lương thưởng tết, thì năm nay mới chỉ có gần 100 doanh nghiệp báo cáo. Năm ngoái, mức thưởng tết cao nhất là 700 triệu đồng/người thuộc một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, năm nay cũng những doanh nghiệp này nhưng mức thưởng cao nhất chỉ là 217 triệu đồng. Ban Quản lý các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mới có 90 doanh nghiệp báo cáo lương thưởng tết. Mức cao nhất là Công ty Unilever với hơn 217 triệu đồng, mức cao nhất của doanh nghiệp trong nước là 60 triệu đồng. Xét theo ngành nghề, mức thưởng tết bình quân với ngành may mặc, da giày là 3,4 triệu đồng; điện tử 5 triệu đồng; thực phẩm 2,5 triệu đồng và cơ khí là 3,55 triệu đồng. Đa số người lao động trong các khu công nghiệp phía Nam chỉ được thưởng tết 1 tháng lương cơ bản. Được thế đã là may mắn cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp ở phía Bắc, mặt bằng lương thưởng tết vốn đã thấp hơn phía Nam, năm nay lại càng “đuối” hơn. Khấm khá nhất có lẽ là 18 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, thưởng tết bình quân  1 tháng lương cho người lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đang phải gồng mình trả đủ và giữ nguyên lương cho người lao động đã là một cố gắng lớn. Không ít doanh nghiệp chưa dám hứa, chưa thể đưa ra con số tiền thưởng cụ thể. 

Không thể phủ nhận tình hình kinh tế chung suy giảm, mức lương thưởng tết năm nay không thể “khủng” như năm ngoái. Khó khăn chung nên người lao động cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thưởng tết cần được nhìn nhận là sự động viên, khuyến khích người lao động sau 1 năm làm việc. Có rất nhiều cách để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc như trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ tiền tàu xe, hoặc đưa đón người lao động về quê ăn tết.