Thấp thỏm nguyện vọng 2

ANTĐ - Trong khi các nhà tuyển sinh mừng vì nguồn tuyển dồi dào do điểm sàn không tăng thì áp lực lại gia tăng lên các thí sinh trong cuộc đua vào đại học sau cú trượt nguyện vọng 1. Việc trúng tuyển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân thí sinh khi cả nước dôi dư tới hơn 238.000 thí sinh đạt điểm sàn so với chỉ tiêu ĐH, CĐ 2013.

Thí sinh cần thường xuyên cập nhật thông tin của các trường
trong suốt quá trình xét tuyển nguyện vọng 2

Cuộc đua quyết liệt

Một trong những rào cản cho các thí sinh điểm thi không cao năm nay khi đăng ký nguyện vọng 2 là sự xuất hiện của các thí sinh có mức điểm “khủng” nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Điển hình như các  khối Y, Dược, nhiều thí sinh đạt 25, đến 27 điểm vẫn phải tiếp tục tranh đoạt một suất trúng tuyển nguyện vọng 2 sau khi trượt nguyện vọng 1. Ngay cả với những trường không thuộc tốp đầu thì năm nay điểm chuẩn của các trường cũng tăng khá mạnh. Đại diện một trường ĐH ở Hà Nội cho biết, kết quả thi năm nay cao khiến các thí sinh đạt mức điểm 24, 25 điểm cũng phải ngậm ngùi tìm cơ hội đăng ký xét tuyển vào trường khác vì không được chuyển đổi ngành đã đăng ký từ đầu.

Như vậy, với sự tham gia cuộc đua nguyện vọng 2 của không ít thí sinh trượt nguyện vọng 1 từ những trường  tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương… khiến các thí sinh đạt mức điểm từ điểm sàn trở lên sẽ ít cơ hội lựa chọn hơn. Theo kinh nghiệm, đa phần các trường ĐH nhóm đầu sẽ hạn chế tuyển nguyện vọng 2, hoặc nếu có thì chỉ diễn ra với những ngành “kém hấp dẫn”. Vì thế, đa số các thí sinh sẽ đổ dồn vào tranh suất học nguyện vọng 2 tại các trường ĐH nhóm giữa - trong trường hợp các trường này đã lấy nguyện vọng 1 mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu, tuyển nguyện vọng 2 là cách để các trường này nâng cao chất lượng đầu vào thay vì hạ điểm chuẩn nguyện vọng 1 xuống quá thấp. Ví dụ như trường ĐH Mỏ Địa chất, năm nay, nếu lấy bằng mức điểm sàn của Bộ, trường vẫn còn dư tới 1.600 thí sinh so với chỉ tiêu. Nhưng để tăng chất lượng, trường sẽ giảm chỉ tiêu nguyện vọng 1 để tuyển nguyện vọng 2 từ ngày 20-8 đến 10-9. Một loạt trường ĐH công lập thông báo tuyển nguyện vọng 2 vừa qua cho thấy các suất này không quá nhiều và chủ yếu để tuyển thí sinh học khá.

Tỉnh táo trong lựa chọn

Nguyện vọng 2 không “dành riêng” cho một thí sinh nào nên ngoài việc phụ thuộc trường ĐH đó có tuyển nguyện vọng 2  hay không và điểm số của các thí sinh có đủ để trúng tuyển theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp hay không, thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ xét tuyển. Một trong những điều thí sinh cần lưu ý là việc xét tuyển nguyện vọng 2 có thể chỉ “gói gọn” với  thí sinh đăng ký dự thi vào trường khi có nhiều trường đưa ra điểm sàn và cho thí sinh đủ điểm sàn nhưng trượt nguyện vọng 1 vào trường sẽ có thêm ít nhất 2 lựa chọn nữa cho các ngành còn chỉ tiêu. Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho biết, thí sinh đạt điểm trúng tuyển vào trường nhưng không trúng tuyển vào ngành, chuyên ngành đã đăng ký khi  dự thi sẽ được đăng ký lại ngành, chuyên ngành khác còn chỉ tiêu để được nhập học chính thức. Thí sinh được đăng ký 2 ngành học, xét từ điểm cao đến điểm thấp đến khi đủ chỉ tiêu theo từng chuyên ngành đào tạo. Thí sinh không trúng tuyển theo 2 nguyện vọng này sẽ được trường bố trí vào các ngành, chuyên ngành khác còn chỉ tiêu trong cùng khối thi. Như vậy, với những trường này chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho thí sinh của trường khác sẽ không nhiều.

Hiện Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được quyền rút hồ sơ nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng kí xét tuyển nguyện vọng 2 đã nộp. Các trường cũng được thực hiện xét tuyển nhiều đợt. Trong thời hạn quy định, hàng ngày các trường công bố công khai các thông tin về hồ sơ ĐKXT nguyện vọng của thí sinh trên trang Website của trường. Quy định này đòi hỏi thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin về thời gian xét tuyển, chỉ tiêu, diễn biến hồ sơ nguyện vọng 2… của trường để dự đoán khả năng đỗ hay trượt. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp, thí sinh thấy đông người nộp hồ sơ vào một ngành nên ào ạt rút hồ sơ để “chạy” sang chỗ vắng, cuối cùng lại trao cơ hội cho số người trụ lại hoặc nộp sau đó. Theo các chuyên gia tuyển sinh, với các trường nhóm giữa, nếu thí sinh có điểm thi chỉ bằng điểm xét tuyển, nếu chỉ tiêu nguyện vọng 2 của trường đó còn lại không nhiều thì khả năng bị loại là lớn. Muốn tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên nộp hồ sơ vào những trường mà kết quả thi cao hơn mức điểm nhận hồ sơ tối thiểu từ 0,5 - 1 điểm. Trong trường hợp điểm thi chỉ bằng điểm sàn, thí sinh nên nộp hồ sơ vào các trường ĐH vùng, các trường ngoài công lập...  với chỉ tiêu dồi dào hơn.