Xã đảo Minh Châu (Ba Vì):

Thấp thỏm khi lũ về

(ANTĐ) - Được biết đến với tên gọi xã đảo, Minh Châu mỗi năm bị cô lập  khoảng 4 tháng, gây khó khăn cho đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. Đã vậy, người dân xã đảo luôn canh cánh nỗi lo hà bá lấn dần đất đai.

Sạt lở quanh xã đảo

Sông Hồng bắt đầu mùa lũ, nước cuộn về từng đợt, đỏ ngầu. Xã đảo Minh Châu nhìn từ bờ như côi cút, lẻ loi lúc nào cũng có thể bị cơn giận dữ của hà bá nuốt chửng. Ngay tại chân dốc bến phà Minh Châu, dòng nước cuồn cuộn thúc vào bờ bãi. Mỗi đợt sóng dồn lại kéo theo những mảng đất lớn, cây trồng sụp đổ xuống lòng sông khiến hành khách đi trên những chuyến đò dựng tóc gáy.

Bà Phương Thị Nhài, thôn Chu Châu, xã Minh Châu cho biết: “Minh Châu là xã đảo, nên về mùa lũ năm nào cũng xảy ra sạt lở. Sạt lở năm nay đã diễn ra khoảng gần 1 tháng rồi, nhưng mức độ ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt, khoảng 10 ngày trở lại đây, có vị trí đã bị sạt lở lấn sâu vào bờ gần chục mét”. Góp chuyện, ông Nguyễn Công Thạo, xã Minh Châu phản ánh: “Sạt lở ở Minh Châu cứ đến hẹn lại lên. Có những vị trí, sạt lở đã ăn sâu vào đến cả trăm mét đất. Song, chưa năm nào lại sạt lở mạnh như năm nay, nước sông Hồng dâng lên đến đâu sạt lở diễn ra đến đó, trừ 2 đoạn khoảng 2,2km đã thả đá hộ chân”.

Nước sông Hồng dâng đến đâu, đất đai của Minh Châu mất tới đó

Nước sông Hồng dâng đến đâu, đất đai của Minh Châu mất tới đó

Để minh chứng cho nhận định của mình, bà Nhài hướng dẫn chúng tôi ngược lên thượng lưu. Tại vị trí bờ bãi gần với đầu kè Minh Châu vừa hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2010, một cung sạt kéo dài khoảng 16m đang phát triển mạnh tiến sâu vào bờ bãi, cây cối nghiêng ngả đổ nát. Ở phía cuối kè, một vị trí chưa thả đá hộ chân xuất hiện một cung sạt khá dài khoảng 88m, có những chỗ tạo thành vách đứng sâu. Theo nhận định của chính quyền xã Minh Châu, nếu dòng chảy tiếp tục áp sát vào những vị trí sạt lở, nguy cơ mất đất sản xuất tiếp tục diễn ra với mức độ càng nghiêm trọng. Bà Hán Thị Lâm, xóm 7, thôn Chu Châu, xã Minh Châu cho biết, ở phía hạ du, một vị trí bờ bãi tiếp giáp với kè Minh Châu chưa thả đá hộ chân cũng bị sụt sạt...

Nơm nớp nỗi lo

Trước tình trạng sạt lở diễn biến ngày một nghiêm trọng trên địa bàn xã, người dân trên xã đảo Minh Châu luôn sống trong nỗi lo nơm nớp. Minh Châu là xã đảo, không cầu, không đường giao thông, không chợ búa, gần như người dân trên xã đảo bị cô lập với các địa bàn lân cận, trong trường hợp xấu nhất, nếu có sự cố lớn xảy ra, người dân không biết sẽ thoát hiểm bằng cách nào. Người dân Minh Châu mong muốn cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý sạt lở, bảo vệ đất đai để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bờ bãi sông Hồng trên địa bàn xã Minh Châu bị sạt lở bắt nguồn từ dòng chảy bị thay đổi. Thêm vào tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thời gian qua ở khu vực này. Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội). Theo ông Hải, khi các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động, ở khu vực này sẽ xuất hiện hiện tượng xói lòng sông hoặc lở bờ sông. Nếu vị trí nào tương đối ổn định, hoặc có đá hộ chân sẽ không bị sạt lở. Một số người dân địa phương cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép ở đây diễn ra khá táo tợn, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối hoặc giữa trưa để làm việc phi pháp. Từ thực tiễn, ông Hải đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn hơn nữa tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Ngoài ra, ông Hải cũng nhận định, do đặc điểm của xã Minh Châu là vùng bãi, việc thay đổi dòng chảy đã gây sạt lở nặng nề bờ bãi gây những bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp do bị mất đất. Vì vậy, phương án hiệu quả nhất vẫn là thả đá hộ chân vòng quanh xã đảo để bảo vệ đất đai và hoa màu. Với tình trạng xói lở mạnh, chạy dọc theo chiều dài của xã, người dân Minh Châu ngày đêm sống trong cảnh lo lắng, mùa lũ đã cận kề, nước lũ siết mạnh biết hậu quả sẽ khó lường.