Chuyện về Bùi Vinh Hiếu và bài văn ấm áp tình người:

Thắp lên hy vọng sau một lần hồi sinh

ANTĐ - Chúng tôi gặp Bùi Vinh Hiếu giữa sân trường đầy nắng, trong buổi học cuối cùng của năm học. Nhìn Hiếu khỏe mạnh, vô tư chơi đùa với các bạn, khó ai có thể nghĩ rằng cậu bé này đã trải qua những tháng ngày đớn đau nhất để chống lại bệnh tật…

Sự sắp đặt của số phận

Bùi Vinh Hiếu (trái) giờ đây khỏe mạnh, học tập, vui chơi như bao bạn khác

Hầu hết những thông tin trong bài văn Bùi Vinh Hiếu viết về căn bệnh hiểm nghèo của mình và lòng biết ơn vô hạn đối với cố GS. Tôn Thất Bách là em được nghe kể lại từ bố mẹ, ông bà. Dù ca mổ đã diễn ra khá lâu, nhưng em luôn tin sự gặp gỡ với ân nhân là sự sắp đặt của số phận. Sau khi được phẫu thuật, sức khỏe Hiếu dần bình phục. Từ cõi chết trở về, có lẽ phần nào ý thức được giá trị của cuộc sống nên Hiếu luôn nỗ lực hết mình để không phụ công chăm sóc dạy dỗ của bố mẹ và thầy cô giáo. 8 năm liền Hiếu là học sinh giỏi toàn diện. Không chỉ có ý thức tự rèn luyện bản thân Hiếu còn tích cực giúp đỡ các bạn trong lớp, tham gia các hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe nên bề ngoài Hiếu trầm tư, già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa, Hiếu tâm sự: “Em rất thích đá bóng. Và trong mỗi trận đấu, em luôn muốn được chơi ở vị trí tiền đạo vì khi ở vị trí này bắt buộc cầu thủ phải không ngừng tiến về phía trước, dứt điểm tốt và ghi bàn chuẩn xác”… 

Hiếu sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi nhớ lại chuyện cũ, bà Phạm Thị Hòa - bà nội của Hiếu xúc động: “Bố Hiếu làm bảo vệ, vất vả, thu nhập bấp bênh, mẹ Hiếu tảo tần với gánh hàng nước tại bến xe Mỹ Đình. Hiếu là cháu đích tôn của gia đình tôi nên khi nghe cháu mắc trọng bệnh, cả gia đình vô cùng thất vọng. Tôi cũng hiểu số phận con người không ai có thể đoán trước, hơn trăm tuổi cũng là một phận người, vài tuần tuổi cũng là một kiếp nhưng khi cháu mình mắc bệnh hiểm nghèo tôi không sao cầm được nước mắt. Chúng tôi đã hỏi thăm khắp nơi, tìm đủ mọi thứ thuốc về để chạy chữa cho cháu nhưng bệnh tình không thuyên giảm. May mắn sao trong lúc tuyệt vọng nhất gia đình tôi đã gặp được GS. Tôn Thất Bách. Ông đã mang lại sự sống cho cháu Hiếu, là ân nhân của cả gia đình tôi. Thật mừng là hiện tại cháu tôi hoàn toàn khỏe mạnh, chăm học và ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà cha mẹ. Do bố mẹ vất vả mưu sinh nên Hiếu phải hoàn toàn chủ động với việc học của mình. Ngoài giờ học, cháu còn giúp đỡ bố mẹ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc dạy dỗ cậu em nhỏ. Tôi chỉ mong cháu siêng năng học hành, sau này lớn lên theo học ngành y để cứu chữa cho đời. Đó là cách trả ơn tốt nhất đối với Giáo sư Bách - người đã sinh ra cháu lần thứ hai”…

Người làm nên điều kỳ diệu

Rời nhà bà nội em Bùi Vinh Hiếu, chúng tôi tìm đến bến xe Mỹ Đình - nơi chị Nguyễn Thị Hồng - mẹ em đang tần tảo nhặt nhạnh từng đồng để lo cho hai anh em ăn học. Dưới cái nắng như thiêu đốt của buổi trưa hè, giữa tiếng còi xe đinh tai nhức óc, chị Hồng đang vuốt lại những tờ tiền lẻ khách vừa trả, mặt lấm tấm mồ hôi. “Lúc nghe bác sỹ nói con mình mắc bệnh ung thư gan tôi như chết lặng người.

Và tôi đã nghĩ: “Ông trời đã cho tôi sinh ra đứa con đó sao lại nỡ bắt nó mang trong mình căn bệnh hiểm ác. Hàng ngày khi nhìn thấy con vô tư chơi đùa mà tôi như đứt từng khúc ruột. Từ ngày con bị bệnh, vợ chồng tôi hầu như phải bỏ hết công việc để đưa con đi hết bệnh viện này đến phòng khám khác. Hễ nghe ai giới thiệu ở đâu có thể chữa được bệnh cho con, vợ chồng tôi đều tìm đến”. Tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà đều “đội nón ra đi”. Nhiều bác sỹ đã nói thẳng: “Đừng chạy chữa nữa. Hãy đưa cháu về nhà có cái gì ngon mà cháu thích thì mua cho cháu ăn chứ bệnh tình của cháu đã bước sang giai đoạn cuối không còn cách nào chữa được, nên chủ động chuẩn bị hậu sự cho cháu”. Trong khi đó, sức khỏe cháu Hiếu ngày một yếu dần với khuôn mặt xanh xao tái nhợt, bụng phình to, chân lê từng bước thậm chí nhiều lúc ngồi không vững. Thật đau đớn khi biết rằng một ngày không xa đứa con yêu thương của mình sẽ không còn trên cõi đời này nữa”…

Nói đến đây, giọng chị Hồng nghẹn lại. Lấy tay quệt ngang dòng nước mắt, chị thổn thức: “Sự gặp gỡ định mệnh với Giáo sư Bách đã đưa gia đình tôi thoát ra những chuỗi ngày u ám, buồn bã nhất. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên cái bắt chặt tay, ấm áp và lời động viên thân tình của ông: “Con cứ yên tâm, cháu sẽ được mổ trong thời gian sớm nhất”. Lúc đó tôi đã nghĩ đằng nào thì cũng đã đến bước đường cùng, nếu con tôi không qua khỏi tôi cũng chấp nhận vì đã cố hết sức. Nhưng rồi nụ cười hồn hậu của Giáo sư Bách sau ca mổ đã làm hồi sinh tất cả. Sau khi được cắt bỏ khối u trong lá gan, con trai tôi đã khỏe mạnh và phát triển bình thường, cháu được cắp sách đến trường, được vui chơi và làm những điều mình thích. Đó là điều tuyệt vời nhất đối với một người mẹ. Để tưởng nhớ công ơn của Giáo sư Bách, hàng năm cứ đến ngày giỗ của ông hay dịp lễ Tết tôi đều đưa con đến mộ ông để thắp nén hương để sự bày tỏ lòng biết ơn đối với ân nhân của cả gia đình. Tôi cũng luôn nhắc nhở cháu phải cố gắng phấn đấu, xứng đáng với ơn cứu mạng của Giáo sư Bách. Đối với tôi, Giáo sư Bách chẳng khác nào người cha ruột”…

Cách đây không lâu dư luận đã xôn xao trước bài văn của bạn Nguyễn Trung Hiếu - lớp 11 Lý 1 trường THPT Hà Nội Amsterdam về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống. Bài văn này cũng đã gây xúc động cho hàng ngàn trái tim bạn đọc. Sự chững chạc trong suy nghĩ của người viết thể hiện qua những lời văn mộc mạc chân thực đã chạm đến trái tim mỗi con người. Điều đó thể hiện sự trưởng thành một cách tích cực trong suy nghĩ, trong thái độ đối với những vấn đề xảy ra xung quanh mình của không ít em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Hy vọng rằng trong tương lai, những tấm gương sáng về sự vươn lên trong học tập như Nguyễn Trung Hiếu, Bùi Vinh Hiếu sẽ ngày càng nhiều…