Thao túng để “đục nước béo cò” tại công ty du lịch hàng đầu Việt Nam?

ANTĐ - Vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại Cty CP Du lịch và thương mại quốc tế (Vinatour) không rõ ràng đã tạo điều kiện cho một số cá nhân “đục nước béo cò”.

“Đục nước béo cò”

Tài sản nhà nước và quyền lợi người lao động tại Vinatour vài năm nay đã bị một số cá nhân có quyền lực của Cty thao túng để “làm xiếc”. Chỉ đến khi, một số cổ đông bức xúc khiếu nại, cơ quan chức năng vào kiểm tra thì sự việc mới dần được phát lộ.

Tháng 5/2011, sau khi thanh tra quyết toán thuế và phát hiện hàng loạt hành vi gian lận về thuế tại DN này, Cục Thuế Hà Nội đã xử phạt hành chính Vinatour với số tiền vi phạm lên tới 900 triệu đồng. Theo đó, DN này đã có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng như xuất khống hóa đơn, khai man doanh thu, quản lý ngoại tệ trái phép, giám đốc ứng tiền Cty tiêu xài cá nhân…Về lĩnh vực hoạt động thương mại, tháng 4/2011, Tổng cục Du lịch đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện Vinatour buông lỏng quản lý, có nhiều việc làm vi phạm có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia trong hoạt động lữ hành đón khách nước ngoài.

Chỉ khi các sai phạm nghiêm trọng được phơi bày, ngày 10/6/2011, TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý phần vốn điều lệ tại Vinatour - mới hay biết và “Đề nghị HĐQT, Ban Kiểm soát Cty chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc, xác định trách nhiệm, mức bồi thường thiệt hại cụ thể và hình thức xử lý đối với Giám đốc Đào Thị Thu Hiền và các cá nhân liên quan trong quá trình điều hành Cty thời gian 2006-2009”.

Được biết, Vinatour là Cty CP, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, được cổ phần hóa từ Cty điều hành hướng dẫn du lịch (DNNN trực thuộc Tổng cục Du lịch). Sở dĩ hoạt động Cty này nhiều năm nay không ổn định, doanh thu ngày càng tụt dốc là do người dại diện 51% vốn Nhà nước tại đây liên tục bị SCIC thay đổi. Đến nay, việc củng cố người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại Vinatour hầu như chưa thực hiện được do tình trạng khiếu kiện của cổ đông không được giải quyết dứt điểm.

 Trụ sở Vinatour

 Trụ sở Vinatour

Có dấu hiệu hình sự

Như nêu ở trên, qua đợt kiểm tra vào tháng 4/2011, Tổng cục Du lịch phát hiện Vinatour có nhiều hành vi giả mạo con dấu Cty. Chứng từ của đoàn du khách từ ngày 23- 26/7/2009 thể hiện, con dấu của Cty đóng vào bản hợp đồng ký với đối tác của Trung Quốc (Cty TNHH du lịch Trung Lữ Bắc Hải) và con dấu ký trong văn bản ngày 21/7/2009 gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh là khác nhau. “Tất cả các hợp đồng ký với đối tác Trung Quốc cũng không có chữ ký và dấu gốc của phía đối tác Trung Quốc”- văn bản Tổng cục Du lịch nêu.

Chưa hết, Vinatour còn tự ý lập ra một đơn vị gọi là “Tổ tiếng Trung” và cho phép đơn vị này (đứng đầu là ông Vũ Nam Dương) được lấy danh nghĩa Vinatour để khai thác, chào bán các sản phẩm du lịch và dịch vụ của Cty một cách vô lối. Đáng nói hơn, ông Vũ Nam Dương lại không phải là nhân viên của Vinatour.

Năm 2010, việc quản lý càng lộn xộn hơn khi lãnh đạo Cty này còn để cho đối tác Trung Quốc tự đặt các dịch vụ và thanh toán các khoản dịch vụ tại Việt Nam.

Còn theo Cục Thuế Hà Nội, chỉ trong vòng 1 tháng, lãnh đạo Vinatour đã xuất khống 12 hóa đơn để khai khống doanh thu, dựng khống chi phí năm 2009 lên tới 6 tỷ đồng. “Để hợp lý hóa việc xuất khống hóa đơn bộ phận kế toán và giám đốc đã bổ sung các phiếu thu, chi chèn vào cuối các tháng năm 2009. Đơn vị này dùng các chứng từ tại nước ngoài (không có chữ ký), các vé máy bay phát sinh ở các phòng vé, đồng thời trên mỗi hóa đơn viết thêm một khoản tiền nhỏ ghi là phí dịch vụ, nhưng thực tế không có khoản thu này”- báo cáo cơ quan Thuế chỉ ra.

Là DN du lịch nhưng khi thu ngoại tệ từ các khách hàng, lãnh đạo đơn vị này lại cố tình chỉ đạo không nộp tiền vào tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng theo quy định, mà giữ lại két bán ra thị trường tự do để trục lợi. Năm 2010, khi ký biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt giữa kế toán và thủ quỹ được lập thành hai văn bản: Một bản, ghi số ngoại tệ tồn trên sổ kế toán; một bản, cộng số tồn ngoại tệ theo dõi ngoài hệ thống sổ kế toán.

Ngày 15/6/2010, kế toán mở sổ theo dõi ngoại tệ thu được từ các phòng thị trường trên phần mềm kế toán nhưng không nhập số dư đầu kỳ 184.789 USD. Vì vậy, ngày 17/6/2010 Cty bán 130.000 USD không thể hiện trên sổ theo dõi ngoại tệ và kế toán đã hoạch toán khống việc mua 54.790 USD cho khớp với kiểm kê tồn quỹ ngày 15/7/2010”- hành vi vi phạm về quản lý ngoại tệ của Vinatour được cơ quan Thuế làm rõ.

Những dấu hiệu sai phạm tại Vinatour khá rõ, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm, để ổn định nội bộ DN và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.