Thảo luận Dự án Luật PPP: Chính phủ nên "thả con săn sắt, bắt con cá rô"

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) chia sẻ, Chính phủ cần cân nhắc không nên "nắm nhỏ, bỏ to" mà cần "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô". Điều này thể hiện bản chất Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong giai đoạn mới.

Cơ chế chia sẻ rủi ro còn thiếu rõ ràng

Cũng theo Đại biểu Đinh Văn Nhã, nhiều nhà đầu tư cho rằng cơ chế chia sẻ rủi ro trong Dự án Luật PPP chưa rõ ràng, có thể dẫn đến không công bằng vì không có căn cứ chia sẻ 50-50 giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong trường hợp hụt thu và tăng thu.

Các nhà đầu tư cho rằng căn cứ xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro phải trên cơ sở đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan tác động ảnh hưởng đến tăng, giảm thu của dự án. Trường hợp chia sẻ 50-50 hụt thu giữa Chính phủ và nhà đầu tư có thể chỉ hợp lý do tác động của các nguyên nhân khách quan bất khả kháng do thiên tai.

Ông cũng nêu rõ, với những trường hợp doanh thu của dự án tăng do các yếu tố khách quan từ nhu cầu thị trường của sự phát triển kinh tế xã hội, cơ chế chia sẻ hợp lý thể hiện rõ chính sách công cụ đòn bẩy kinh tế của nhà nước đủ mạnh phát triển mạnh mẽ phương thức đầu tư này thì Chính phủ cân nhắc không nên chia sẻ phần tăng thu mà có thể điều chỉnh giảm giá phí dịch vụ hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng.

Đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) phát biểu thảo luận

“Trong trường hợp này, Chính phủ cần cân nhắc không nên chia sẻ nắm nhỏ bỏ to mà cần bỏ con săn sắt bắt con cá rô. Điều này thể hiện một khía cạnh, bản chất Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong giai đoạn mới” - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến nội dung trên, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai ( đoàn TP Hà Nội) băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro với 6 lí do:

Thứ nhất, theo Đại biểu, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư. Đó là cơ chế lời ăn lỗ chịu đúng theo nguyên tắc thị trường. Khi kí kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro.

Thứ hai, Dự thảo luật cho phép chủ đầu tư tăng phí, tăng giá dịch vụ, cho phép nhà đầu tư kéo dài thời hạn thu phí điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. Bởi, chủ thể phải trả phí không phải là Nhà nước mà là người dân.

Thứ ba, cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, bởi lẽ Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, trọng điểm, nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào, lấy nguồn ở đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào? – Đại biểu Mai đặt câu hỏi.

Thứ tư, Dự thảo luật thì chưa đưa ra căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro; chưa xác định được cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro. Bên cạnh đó, kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án. Quy định này bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán một phần vốn dự án.

Thứ sáu, Dự thảo luật đưa ra quy định lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ cho nhà nước, nhưng hơn 20 năm qua, kể từ khi áp dụng PPP đến nay chưa có trường hợp nào. Nhà nước vẫn đang chi trả những khoản nợ trong một số hợp đồng BOT.

Trao đổi thêm tại phiên họp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành rồi giao lại cho nhà nước nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư thì nhà đầu tư mới yên tâm tham gia đầu tư, đồng thời khẳng định đây không phải là cơ chế bảo lãnh mà là chia sẻ rủi ro.

Chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ?

Về hoạt động Kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 80, Dự thảo luật quy định: “Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của luật này”.

Về nội dung này, Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) cho rằng, quy định như vậy thì Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư. Còn toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính, thu phí thì Kiểm toán nhà nước không được kiểm toán. Vậy cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này?

Phân tích thêm, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng cho biết, nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hoạt động PPP với nhà đầu tư, nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình là phù hợp?

Ông nêu thực tế: “Vừa qua, thông qua hoạt động kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án giao thông, dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ”.

Cho rằng Kiểm toán nhà nước phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành, Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) thẳng thắn, kiểm toán chỉ giúp hiệu quả đầu tư cao hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư tư nhân, đồng thời công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật hơn.