Tháo gỡ rào cản, nâng cao vai trò nữ giới trong lực lượng thanh niên

ANTD.VN - Tại chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em diễn ra ngày 13-3, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, nhiều bạn nữ có thành tích không hề thua kém các bạn nam, thậm chí xuất sắc hơn.

Toàn cảnh chương trình đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Ngày 13-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Đoàn và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cùng với bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women trực tiếp tham gia đối thoại với sinh viên.

Tỉ lệ lớn và đóng vai trò quan trọng

- Sinh viên Phạm Hương Giang (Học viện Phụ nữ Việt Nam) hỏi: Với cương vị là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, thủ lĩnh của thanh niên Việt Nam, anh có thể chia sẽ một số thông tin về kết quả của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới?

- Anh Lê Quốc Phong: Hiện nay thanh niên nữ chiếm 49% thanh niên cả nước về, nữ đoàn viên có 47%. Như vậy nữ trong lực lượng thanh niên và đoàn viên có tỉ lệ lớn và đóng vai trò quan trọng.

Tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia đảm bảo bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm. Trong các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội đều hướng tới tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò của các nữ đoàn viên thanh niên, hỗ trợ nữ thanh niên trên nhiều vùng miền trên cả nước, nhất là các trẻ em gái ở vùng sâu vùng xa.

Trong nhiều giải thưởng của tổ chức Đoàn, Hội đã có những giải thưởng dành riêng cho các bạn nữ xuất sắc như trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật; chú ý tới nhân tố nữ trong nhiều giải thưởng. Nhiều bạn nữ có thành tích không hề thua kém các bạn nam, thậm chí xuất sắc hơn. Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 có 6/20 đề cử là nữ, trong đó có 3 nữ là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018.

- Sinh viên Trần Hữu Vinh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đặt câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Thu Hà: Hiện nay, tỷ lệ nữ sinh viên trong trường các trường đại học khá đông, có nhiều trường chiếm hơn 50%. Nhưng em thấy rằng càng học lên cao thì tỷ lệ nữ càng thấp. Vậy có rào cản nào cản trở phụ nữ vươn lên trong học tập và nghiên cứu; cần làm gì để hỗ trợ nữ sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ở những trường đại học thường đông sinh viên nam như: Bách khoa, sinh viên nữ tăng lên khoảng 25%; ĐH Khoa học tự nhiên nữ chiếm 61%. Tỷ lệ nữ thủ khoa nhiều nơi còn cao hơn nam.

Tuy nhiên rào cản khiến phụ nữ khó vươn lên trong học tập và nghiên cứu là do định kiến giới tồn tại khá lâu. Trong nhiều gia đình chọn đầu tư cho nam hay nữ, chắc chắn chọn đầu tư cho nam.

Thời gian phụ nữ giành cho gia đình vẫn còn là rào cản. Nếu phụ nữ được chia sẻ việc gia đình thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để cống hiến.

Theo một nghiên cứu mới được công bố mỗi ngày một phụ nữ giành 175 phút cho công việc gia đình, nhiều hơn nam giới 70 phút. Trung bình một phụ nữ mất 5-8 năm sinh con và nuôi con nhỏ. Các dịch vụ xã hội hỗ trợ để phát triển con người nói chung: nhà trẻ, đưa đón con… chưa thực sự hỗ trợ phụ nữ.

Ngày nay, tiềm năng và vị thế của phụ nữ Việt Nam đã dần tốt lên. Phải nói rằng không có nhiều quốc gia mà hoạt động, biện pháp thực hiện bình đẳng giới được đưa thành chương trình hoạt động cụ thể ở từng tỉnh, thành phố, địa phương và đạt được nhiều thành tựu như ở Việt Nam.

Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng.

Sinh viên Trần Hữu Vinh đặt câu hỏi tại chương trình

Tham gia tích cực chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em

- Sinh viên Nguyễn Hà Trang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã có những hoạt động cụ thể gì trong việc chăm lo, bảo vệ, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho trẻ em gái trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới?

- Anh Lê Quốc Phong: Trẻ em là đối tượng Đảng giao cho Đoàn giáo dục, dìu dắt, tạo môi trường cho các em phát triển toàn diện. Luật Trẻ em đã được ban hành và dành một điều cho tổ chức Đoàn và rải rác ở nhiều điều khoản khác về vai trò trách nhiệm của tổ chức Đoàn. Trong Đại hội Đoàn XI chúng tôi cũng dành sự quan tâm đến các em thông qua nhiệm vụ, chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp cũng tổ chức một loạt diễn đàn để lắng nghe ý kiến các em từ đó có những đề xuất tham mưu thiết lập chính sách phù hợp. Chúng tôi tổ chức hoạt động tăng sự quan tâm của xã hội đối với các em; Tổ chức nhiều hoạt động để các em bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua hoạt động: vẽ tranh, văn hóa, văn nghệ…

Chúng ta cũng đã tham gia mạng lưới Ủy ban Quốc gia về chăm sóc bảo vệ trẻ em, với tổng đài 111. Tổ chức đoàn cơ sở là 1 trong những kênh phát hiện kịp thời những vụ việc xâm hại bạo hành trẻ em. Tại những địa phương có xảy ra vụ việc liên quan trẻ em mà tổ chức đoàn đội nơi đó không phát hiện kịp thời phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên sản xuất sách cho trẻ em, trong đó tập trung làm sách về rèn luyện kỹ năng, chăm sóc bảo vệ các em. Chúng tôi hướng các em tham gia vào hệ thống các nhà thiếu nhi để  có môi trường rèn luyện, khẳng định năng lực, giá trị bản thân của mình.

- Vũ Thị Hồng (bạn trẻ khuyết tật) hỏi: Hiện tại Trung ương Đoàn có chiến lược kế hoạch hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật?

- Anh Lê Quốc Phong: Các bạn trẻ, sinh viên khuyết tật là đối tượng tổ chức Đoàn, Hội quan tâm. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tư vấn trang bị kỹ năng, tâm lý giúp các bạn khuyết tật tự tin hoà nhập với cộng đồng.

Tại các tỉnh thành phố, các câu lạc bộ, hội thanh niên khuyết tật là nơi để các bạn gặp gỡ, chia sẻ những điều quan tâm; tư vấn kỹ năng, tâm lý tự tin hội nhập cuộc sống... Trong các hoạt động Đoàn, Hội luôn gọi mời các bạn tham gia. Chúng tôi luôn coi các bạn là những người bình thường tham gia các hoạt động văn hoá tinh thần, tình nguyện... tuỳ theo điều kiện bản thân.

Chúng tôi cũng có những chương trình dành riêng cho các bạn như chương trình tôn vinh thanh niên khuyết tật có nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Những chương trình này không chỉ đang giúp cho các bạn mà cũng chính là giúp chúng tôi, giúp những người trẻ may mắn hơn các bạn có thêm nghị lực nỗ lực hơn trong cuộc sống.

Chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em đã tạo cơ hội cho sinh viên đóng góp ý kiến, nêu quan điểm, sáng kiến của mình về bình đẳng giới, từ đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong thanh niên.