Tháo gỡ khó khăn để phát triển

(ANTĐ) - Ngày 19-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp xem xét báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong quý I-2009 và xác định nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm. Tình hình 3 tháng đầu năm cho thấy, thành phố phải căng mình ra hết sức, chấn chỉnh mọi yếu kém, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của năm 2009.

Tháo gỡ khó khăn để phát triển

(ANTĐ) - Ngày 19-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp xem xét báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong quý I-2009 và xác định nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm. Tình hình 3 tháng đầu năm cho thấy, thành phố phải căng mình ra hết sức, chấn chỉnh mọi yếu kém, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của năm 2009.

Kinh tế Hà Nội tăng trưởng thấp nhất kể từ nhiều năm qua

Kinh tế Hà Nội tăng trưởng thấp nhất kể từ nhiều năm qua

GDP quý I chỉ tăng khoảng 3,1%

Theo ước tính sơ bộ của các ngành chức năng, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I-2009 của Hà Nội chỉ tăng 3,1%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Hà Nội chưa mở rộng, mức tăng quý đầu các năm từ 2002 đến 2008 đều từ trên 9%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp với 5,7%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 15,2% của quý I-2008.

Giảm nhiều nhất là các sản phẩm: Động cơ điện 61,6%, máy nông cụ 46,3%, thuốc uống các loại 28,8%, xe đạp 28,4%... Tuy nhiên một số sản phẩm vẫn giữ được mức tăng trưởng cao như quạt điện tăng 125%, xà phòng 49%, giấy các loại 37%, thuốc lá bao 13,5%... Do ảnh hưởng của đợt mưa ngập, sản xuất nông nghiệp giảm trên 40% đẩy nhóm nông-lâm-thủy sản giảm mạnh 18,4% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại dịch vụ cũng lộ rõ sự sụt giảm. Tổng mức bán ra và tổng mức bán lẻ lần lượt tăng 19,5% và 19,9% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2008: 27% và 30%. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu quý I chỉ tăng 8,4%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2002, 2004, nhưng thấp hơn rất nhiều mức tăng cùng kỳ từ năm 2005 đến nay (đều trên 17%). Xuất khẩu địa phương thậm chí còn giảm đến 4,4% so với cùng kỳ.

Trong đó xuất khẩu khu vực vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,6% (quý I-2008 tăng 46,7%). Các mặt hàng truyền thống giảm mạnh cả về khối lượng và kim ngạch như linh kiện máy tính, thiết bị ngoại vi, hàng thủ công mỹ nghệ và da-giày. Kim ngạch nhập khẩu giảm 48,1%, giảm chủ yếu rơi vào nhóm hàng vật tư nguyên liệu và máy móc, thiết bị, phụ tùng. Huy động vốn từ các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh. Tổng vốn đăng ký chỉ đạt 42 triệu USD bằng 7%  về giá trị so với cùng kỳ năm 2008 (575 triệu USD).

Không được phép “đánh võng” doanh nghiệp

ý kiến các sở, ngành tại cuộc họp đều cho rằng, kinh tế Thủ đô đang đứng trước những thách thức gay gắt. Cán bộ chủ chốt của thành phố xác định, lúc này chỉ có căng sức làm việc bằng cả tâm huyết và trách nhiệm mới có thể ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế hiện nay. UBND TP xác định trong 9 tháng cuối năm 2009, bên cạnh nhiệm vụ chống suy giảm kinh tế, sẽ tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự văn minh đô thị...

Trước những khó khăn lớn của những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, các ngành phải vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ với sự linh hoạt cao nhất trong điều hành. Các sở, ngành, quận, huyện phải vận dụng cơ chế chính sách một cách tối đa để công việc thông suốt. Ông Nguyễn Thế Thảo nói: “Vướng ở đâu, các đồng chí kiến nghị, tôi sẵn sàng ký. Chúng ta tạo điều kiện để các công trình sớm hoàn thành, nhưng sẽ giám sát chặt chẽ”.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Thành phố cần tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, thủ tục hành chính, xuất khẩu... cho DN. Phải hết sức tránh, không để DN phàn nàn”. Chủ tịch UBND TP cảnh báo, một số lĩnh vực còn “mang tiếng” là chưa làm tốt, nay cần phải được chấn chỉnh, không được để xảy ra tình trạng “đánh võng” DN như trước đây.

Ngoài ra, các sở, ngành cần chủ động tiếp xúc với DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, xác định khó khăn của DN để có thể hỗ trợ một cách hiệu quả nhất. Nỗ lực ở mức cao nhất, các sở, ngành phải có trách nhiệm “ốp sát” DN để tìm hiểu và chia sẻ về vấn đề lao động. Sắp tới, Hà Nội sẽ thành lập đoàn thanh tra về vấn đề sa thải người lao động. UBND TP sẽ can thiệp để các DN không thể sa thải người lao động một cách bừa bãi, vi phạm pháp luật lao động, như đã từng xảy ra ở một số nơi.

Nam Anh