Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

ANTĐ - Xác định năm 2012 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp, chiều 15-2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có buổi gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ.

Các khó khăn của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ dần (ảnh minh họa)

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo biểu dương những đóng góp của doanh nghiệp trong sự phát triển của Thủ đô. Chủ tịch UBND TP cho rằng, năm 2012 là năm khó khăn với cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Nền kinh tế đang tồn tại những thách thức lớn như: tăng trưởng thấp, nguy cơ đổ vỡ ở một số lĩnh vực kinh doanh… Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới hai con số.

Năm 2012, kinh tế thế giới và kinh tế cả nước được dự báo tiếp tục khó khăn, kéo theo hệ lụy tiêu cực trong sản xuất công nghiệp. Sức mua của người dân chưa cao, giá nguyên liệu đầu vào có chiều hướng tăng gây áp lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thực hiện ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vốn sản xuất diễn ra ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp tập trung đông nhất cả nước. Sản xuất đình trệ không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế, mục tiêu tăng trưởng mà còn kéo theo vấn đề lao động, việc làm phức tạp. Theo ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, một trong những vấn đề thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp là hướng dẫn chi tiết về cấp phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Đồng thời, các cấp, các ngành cần tuyên truyền cho toàn xã hội những khó khăn chung của đất nước, của Thủ đô để chung tay tháo gỡ.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những vướng mắc liên quan đến việc vay vốn. Lãi suất ngân hàng đứng ở mức cao và đa số các doanh nghiệp khó đủ điều kiện vay vốn. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển cho biết: “Trong khi giá cả đầu vào, giá thuê mặt bằng “đứng” ở mức cao mà doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao thì hầu như không đơn vị nào chịu được”. Theo ông Hiển, hiếm có doanh nghiệp nào có thể đưa ra thị trường loại sản phẩm đạt mức lãi hơn 20%. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận vay vốn với lãi suất cao hơn 5-7% so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện một số doanh nghiệp lại đề nghị thành phố hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp tháo gỡ như: Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc giao ban, đối thoại với doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế nhằm tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc cho doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành: Cục Thuế Hà Nội, Cục Hải quan thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội… tổ chức giao ban chuyên đề hoặc giải quyết khó khăn phát sinh; Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được miễn giảm thuế đất năm 2011, 2012; Tuyên truyền công khai, rộng rãi các thủ tục, thành phần hồ sơ và chi tiêu xét chọn… các dự án được hưởng cơ chế ưu đãi của nhà nước và thành phố để các doanh nghiệp biết và tham gia vào các chương trình cơ khí trọng điểm.

Đồng thời, thành phố chủ trương tuyên truyền về các sản phẩm công nghệ, chất lượng của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm; phối hợp với chủ đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội thông tin chi tiết đến các doanh nghiệp trong diện di dời, những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất về tiến độ thực hiện dự án, những cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào khu công nghiệp hỗ trợ này. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ uy tín doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng.