Tháo gỡ khó khăn cho cấp cơ sở

ANTĐ - Chúng tôi rất phấn khởi và chờ đợi Luật Thủ đô được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, bởi qua nghiên cứu những nội dung của dự thảo Luật, tôi thấy một vấn đề “nóng”, đang khiến cấp cơ sở khó khăn trong công tác quản lý, được dự thảo đề cập, là lĩnh vực trật tự xây dựng.

Một vi phạm diễn ra phổ biến nhiều năm nay, đặc biệt ở các địa bàn nội thành Hà Nội, là xây dựng sai phép. Ở phường Thanh Nhàn, chúng tôi có thể khẳng định 100% các hộ - công trình đủ điều kiện đều được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng thực hiện đúng theo giấy phép của người dân cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ phường hết sức khó khăn. Những trường hợp xây dựng trong ngõ, ngách, khi được cấp phép xây dựng đều phải thực hiện những nguyên tắc về khoảng lùi, mật độ xây dựng. Tuy nhiên, nhà dân trong ngõ đa phần chật hẹp, nên nếu thực hiện đúng phép, thì diện tích nhà sẽ bị hẹp đi. Chính vì vậy, người dân thường “buộc” phải vi phạm giấy phép xây dựng, và chính quyền cơ sở cũng gặp khó khăn khi đi kiểm tra, xử lý. 

Sau nữa là vấn đề cấp phép cho những công trình thuộc dạng “cơi nới” trên diện tích đất đang sử dụng ổn định, như xây thêm tầng, xây ban công... Để được cấp phép, chủ nhà phải được cơ quan chuyên môn thẩm định khảo sát, đánh giá chất lượng công trình. Công đoạn này rất mất thời gian về thủ tục hành chính và cơ chế thực hiện giải quyết, dẫn đến việc người dân “ngại” xin cấp phép, từ đó vi phạm về xây dựng. 

Một vấn đề tôi muốn chia sẻ, là công tác xử lý các công trình không phép. Có thể khẳng định phường, xã, thị trấn nào hàng tháng, hàng năm cũng đều phải giải quyết những vi phạm này. Theo quy định thì chủ thể vi phạm phải chịu phí tổn cưỡng chế, nhưng thực tế họ thường không chấp hành. Thế nên chính quyền cơ sở phải “gánh” những khoản phí này. Có Luật Thủ đô, tôi tin, những vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực trật tự xây dựng sẽ được tháo gỡ.