Tháo gỡ bất cập về ghi nợ tiền sử dụng đất

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định ban hành Nghị định sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

Theo đó, Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP được sửa đổi như sau: Hộ gia đình, cá nhân (gồm người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Mức tiền sử dụng đất ghi nợ đối với hộ gia đình, cá nhân nói trên (hộ gia đình, cá nhân) được xác định bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư trừ đi giá trị được bồi thường về đất, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Hộ gia đình, cá nhân được trả nợ dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 5 năm này.

Trong trường hợp sau 5 năm mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì hộ gia đình, cá nhân nói trên phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.

Nghị định sửa đổi cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; về trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tài nguyên môi trường; về trách nhiệm của cơ quan kho bạc thu tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan thuế; về trình tự xử lý chuyển tiếp…

Nghị định sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 10-12-2019, đồng thời Nghị định này cũng bãi bỏ Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định về thu tiền sử dụng đất.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người sử dụng đất chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát tất cả các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất tại địa phương nhưng đến nay chưa hoàn thành việc trả nợ để thông báo đến các trường hợp còn nợ tiền sử dụng đất về việc ghi nợ, thanh toán nợ và xóa nợ tiền sử dụng đất theo đúng quy định tại Nghị định này.  

Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất có quy định hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất. Người sử dụng đất được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.

Theo Bộ Tài chính, đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất chính là cam kết của hộ gia đình, cá nhân về tình hình khó khăn tài chính và hộ gia đình, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về cam kết này nên pháp luật không quy định tiêu chí để xác định khó khăn về tài chính và không quy định phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Qua quá trình thực hiện, theo phản ánh của một số địa phương cho thấy, đây là một bất cập. Vì vậy, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ bổ sung, sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.