Thành tỷ phú từ những viên đá nhỏ

(ANTĐ) - Khi gặp anh, tôi vẫn không dám tin rằng, người đang ngồi đối diện mình từng là một tướng cướp khét tiếng với biệt danh Dũng Kacơ… bởi với tôi, Dũng Kacơ đã chết rồi, còn người hiện diện trước mặt tôi là doanh nhân Lê Văn Dũng, Giám đốc Công Ty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân, người đã khiến nhà văn Chu Lai trở lại văn đàn với cuốn tiểu thuyết Hùng Karô đình đám. Tác phẩm được giải nhì trong cuộc vận động sáng tác “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Thành tỷ phú từ những viên đá nhỏ

(ANTĐ) - Khi gặp anh, tôi vẫn không dám tin rằng, người đang ngồi đối diện mình từng là một tướng cướp khét tiếng với biệt danh Dũng Kacơ… bởi với tôi, Dũng Kacơ đã chết rồi, còn người hiện diện trước mặt tôi là doanh nhân Lê Văn Dũng, Giám đốc Công Ty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân, người đã khiến nhà văn Chu Lai trở lại văn đàn với cuốn tiểu thuyết Hùng Karô đình đám. Tác phẩm được giải nhì trong cuộc vận động sáng tác “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Cơ sở sản xuất tranh đá quý của anh Dũng
Cơ sở sản xuất tranh đá quý của anh Dũng

Lê Văn Dũng sinh năm 1960 và là con cả trong gia đình nông dân nghèo ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Cái thuở mà trẻ con vẫn còn nhõng nhẽo bố mẹ chuyện đến lớp thì Dũng đã là “đại ca” của mấy đứa trẻ trong xóm, để mỗi buổi đến trường, chúng cắp cặp cho anh. Lớn hơn một chút, vì thương bố mẹ vất vả, thương các em còn nhỏ dại, anh bỏ ngang chuyện học hành để đi bộ đội.

Ngày ra quân, anh trở lại quê nhà với hai bàn tay trắng. Cuộc sống khó khăn của gia đình là cái đòn bẩy để anh cố gắng làm giàu. Nhưng làm gì để thay đổi là một câu hỏi vô cùng khó khăn. “Phi thương bất phú” - câu nói ấy bỗng dưng sượt qua trong đầu chàng thanh niên 23 tuổi, vậy nên Dũng quyết định đi buôn. Vốn không có nên anh phải làm từ những việc rất nhỏ như mua bán vải vóc, bạc trắng của đồng bào vùng cao. Được một thời gian cũng kiếm được chút vốn. Có tiền, anh nhảy sang buôn trâu.

Những năm 80 của thế kỷ trước, việc buôn bán trâu bò đi lại giữa các tỉnh vô cùng khó khăn, nếu không có giấy tờ đầy đủ, sẽ rất khó tiêu thụ. Vì số lượng trâu lớn nên mỗi lần xin giấy tờ mất thời gian quá nhiều, vì vậy anh đã làm giả giấy tờ của Viện Quân y 91 nên đã bị Tòa án Quân sự Quân khu 1 xử 18 tháng tù giam.

Ra tù, anh lên bãi vàng Na Rì và một thời gian ngắn sau đã trở thành một bưởng vàng lớn, thành lập một đế chế với việc phân ngôi thứ, có trạm phát thuốc, có chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho những người có thành tích xuất sắc và trả công cho mọi người bằng vàng. Cuộc sống sung túc kéo dài được một thời gian thì anh em bị sốt rét, ốm liên miên, sập vàng… Dũng đưa mấy tên đàn em đi tìm vùng đất hứa khác.

“Đó là một ngày tháng 5, nắng như đổ lửa. Mấy thằng kéo nhau lên chiếc xe khách và đi như những vị khách bình thường” - anh kể lại. Thế nhưng, khi xe đến Thác Riềng, gã lơ xe cứ nheo nhéo đòi tiền khiến Dũng phát bực. Vốn là một tay giang hồ khét tiếng, đi xe miễn phí và luôn được mời ghế đầu, vậy mà trên chuyến xe ấy, mấy lần Dũng lườm mà gã lơ xe “chẳng thèm hiểu”. Chẳng nói chẳng rằng, Dũng lôi hai khẩu súng trong người ra, nổ hai phát lên cao… đám hành khách và nhà xe hốt hoảng. Đàn em của Dũng ra lệnh khách bỏ hết những thứ có trong người, sau đó cả lũ xuống xe, ung dung về cứ điểm.

Tuy nhiên, Dũng không hề biết, trên xe có người nhận ra mình nên đã bí mật báo công an. Và mấy ngày sau, Dũng bị cảnh sát hình sự Bắc Thái (cũ) vây bắt và giam tại trại giam Công an tỉnh. Chưa ở nóng chỗ, Dũng đã trốn trại, cải trang thành người khác, lên xe đi cùng Nam chí Bắc để kiếm hướng làm ăn mới.

Và rồi, số phận xô đẩy nên Dũng lại lần lên bãi đá đỏ Lục Yên làm chân nấu cơm cho thợ đào đá. Chỉ được mấy hôm, vì bị người khác sỉ nhục nên Dũng đã vùng lên. Một lần nữa, cái danh xưng năm xưa lại trở về.

Sống như một ông vua ở bãi đá Lục Yên, đá đỏ kiếm được nhiều vô kể nhưng rồi cuối cùng Dũng nhận ra, mình dẫu có sung sướng đến đâu thì bố mẹ, vợ con ở quê cũng vẫn sống cái cảnh cơ hàn, ngoài ra còn mang tiếng vì có đứa con ăn chơi trác táng, đầu trộm đuôi cướp. Vậy là sau 4 năm trốn lệnh truy nã, Dũng ra đầu thú, bị xử phạt 11 năm tù giam, được đưa về Trại giam Phú Sơn 4.

Có thể nhiều người hoài nghi về mức án tòa xử cho Dũng nhưng tôi nghĩ rằng, đó là mức án hoàn toàn chính xác sau khi xét cả công và tội của Dũng. Bởi ai cũng biết, thời ở bãi vàng, Dũng lập nhiều công, giúp công an bắt một số tù trốn lệnh truy nã, là người đưa bãi vàng Na Rì vào sự quản lý của Nhà nước…

Nhờ những thành tích nổi bật trong trại giam, anh được đặc xá sớm hơn mức án 5 năm. Trở lại quê hương trong cái sự dày vò bản thân khi đối diện với người thân và xóm làng, một sự tủi hổ xót xa hiện lên trong lòng. Anh luôn nghĩ rằng, con người ta khi ra ngoài xã hội, dẫu đói rách cũng không ai biết nhưng khi về nhà, phải đàng hoàng, tươm tất mới đáng tự hào và làm mở mày mở mặt cho gia đình, người thân. Còn Dũng, sau khi ra tù, không một xu dính túi lại còn mang tiếng kẻ cướp, dù làng xóm chẳng ai tỏ vẻ khinh bỉ nhưng bản thân anh vẫn thấy thẹn thùng. Đó là lý do để anh quyết định đi tìm một cuộc sống mới.

Vùng đá đỏ Lục Yên là nơi anh hướng đến. Ngày ra đi, dù tay trắng nhưng bên cạnh anh lại có một “món quà” vô giá, món quà ấy là chị Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 1966), một bạn tù cùng được đặc xá cùng ngày với anh. Chị Oanh vốn là một giáo viên ở trường chuyên Bắc Giang, vì quá tin bạn nên đã lấy gần 600 triệu trong quỹ của trường cho vay, cuối cùng bạn bỏ trốn, để mặc chị với món nợ khổng lồ. Gia đình đã cố gắng vay mượn khắp nơi nhưng số tiền quá lớn, chuyện vỡ lở và Oanh bỏ trốn.

 Biết không thể thoát nên chị ra đầu thú, tòa xử 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Bước chân vào tù, chị mất tất cả, một vị trí xã hội tốt, một gia đình hạnh phúc và hơn tất cả là một tương lai mờ mịt bởi xưa nay vốn con nhà lành nên chị chỉ biết có trường học và gia đình thôi. Nhưng, trong những tháng ngày chán nản về cuộc sống, chị đã tìm được nguồn an ủi động viên vô cùng lớn lao, đó chính là tình yêu của anh. Có lẽ, tình yêu và niềm hướng thiện đã giúp cho hai trái tim cô đơn ấy tìm về với nhau, để cùng nhau cố gắng sớm cải tạo tốt nhất.

Ngày hai vợ chồng dắt nhau ra đi, một người bạn cho anh vay ba triệu đồng. Lên đến Lục Yên, mua cho vợ chiếc xe chạy chợ buôn bán nhỏ, thuê một căn phòng nhỏ, mua một chiếc giường, sắm sửa linh tinh, số tiền còn lại hơn chục nghìn, nghe cũng oai nhưng số tiền ấy chẳng tiêu được gì. “Không sao cả, chỉ cần mình có chí” - anh nghĩ, và cùng vợ xây những viên gạch đầu tiên cho “lâu đài hạnh phúc”.

Nhiều người ngỡ ngàng không hiểu vì sao, chỉ với hơn chục nghìn đồng trong tay, mà vợ chồng anh lại có thể trở thành tỷ phú.

Chuyện kể thì ngắn nhưng sự thực kéo dài nhiều năm. Khi còn số tiền rất ít trong tay, có thể người khác sẽ chán nản, nhưng Dũng vẫn hồn nhiên. Chỉ sau mấy tháng, anh đã tập hợp được một đội quân lên đến hàng trăm người và chia thành ba đội khác nhau. Một đội đi đập đá xây dựng, một đội đi đập đá làm đường, hai đội ấy sẽ nuôi đội quân khai thác đá đỏ. Anh bảo rằng, đào đá quý có thể kiếm được nhiều nhưng cũng có lúc chẳng kiếm được gì cả, hai đội quân kia sẽ hỗ trợ đội khai thác đá trên núi.

Hồi ấy, người Việt Nam chưa biết dùng đến đá quý nên toàn nhập cho Thái Lan. Việc ăn uống hằng ngày đã có hai đội đập đá lo nên anh tính, cùng anh em đào đá, tích cóp lại bán một cục lớn rồi chuyển nghề luôn. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, đó là năm 2003, bỗng dưng nước bạn dừng nhập khẩu đá, thế là mấy tạ đá đành chất đống lại, rẻ hơn cả bèo. Dũng vét hết những đồng tiền cuối cùng mua đá của mọi người. Lúc đó, thương anh em thì mua chứ bản thân Dũng cũng chẳng biết, rồi nó sẽ đi đâu về đâu.

Trở lại quê nhà, lại kiếm đủ nghề làm ăn. Buôn tranh đá quý từ Lục Yên về Hà Nội, Sài Gòn … Lên miền núi tìm mối đổ vải, lại mua những thứ đặc biệt từ trên núi xuống miền xuôi bán, chạy đi chạy lại mấy năm, gặp gỡ nhiều người và nhất là phụ nữ, anh bỗng nhận ra “người phụ nữ đi bên mình đã nửa đời người nhưng cứ lênh đênh theo đuổi vận may số phận cùng anh”, rồi anh bỗng nghĩ, mình phải có trách nhiệm với vợ hơn, để cô ấy không còn phải khổ nữa.

Một ngày, sau chuyến đi xa về, Dũng lôi mấy tải đá quý ra ngắm và bảo vợ “hay mình làm tranh đá quý nhỉ? Anh thấy để vậy nó phí quá” - nghe anh nói, chị gật đầu đồng ý. Thế là hôm sau, anh khăn gói đi tìm thầy tìm thợ học việc, chăm chỉ như một chú ong thợ cần mẫn làm mật cho đời.

Năm 2006, Công ty TNHH tranh đá quý Dũng Tân ra đời với gần 30 công nhân. Anh thuê những người làm tranh giỏi nhất về dạy cho thợ của mình, đó là một sự đầu tư lâu dài và chuyên nghiệp. Cho đến nay, anh đã có trên dưới 50 công nhân với một Trung tâm trưng bày đá quý có diện tích 11.000m2. Hiện Trung tâm đã cơ bản hoàn thành và tôi nhìn thấy, ngoài những căn phòng sản xuất, trưng bày tranh anh còn xây dựng cả một hệ thống sinh thái với ao cá, vườn cây cảnh đẹp mắt.

Và như trong tiểu thuyết Hùng Karô, nhà văn Chu Lai đã để cho nhân vật chính (nguyên mẫu Dũng Kacơ) chết, điều đó chứng tỏ, nhà văn cũng đã ngầm nói với bạn đọc rằng, tướng cướp khét tiếng năm xưa đã vĩnh viễn biến mất, chỉ còn lại một con người thực đang hiện hữu trước chúng ta. Đó là lý do để tôi nghĩ rằng, Lê Văn Dũng thành công bởi chính tài năng, sự nhanh nhạy, tài tính toán của một người năng động và điều đó mới làm nên thương hiệu tranh đá quý Dũng Tân bây giờ... 

Tiểu Linh