Thành tựu đối ngoại đa phương của Việt Nam là không thể phủ nhận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Việc Nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc, do Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 chuẩn bị, thương thảo và vận động, nhận được sự ủng hộ kỷ lục về số nước đồng bảo trợ cho thấy uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực chống đối luôn tìm cách hạ thấp nỗ lực, cố tình bôi nhọ đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, tháng 11-2020

Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, tháng 11-2020

Cộng đồng quốc tế ngày càng đánh giá cao vai trò, uy tín của Việt Nam

Khác với thông lệ phải tháng 12 mới xem xét Nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc, năm nay, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành công việc này sớm hơn gần 1 tháng. Các hoạt động mới nhất của ASEAN và Liên hợp quốc cũng chỉ vừa kết thúc vào trung tuần tháng 11 vừa rồi. Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 chỉ có chưa đầy 1 tháng tiến hành các công việc chuẩn bị Nghị quyết. Với việc được 110 nước đồng bảo trợ, Nghị quyết do Việt Nam chuẩn bị đã đạt 3 kỷ lục: thời gian thương lượng ngắn nhất, thời gian vận động ngắn nhất và số nước đồng bảo trợ đông nhất so với các nghị quyết hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc từ trước đến nay.

Đây là minh chứng mới nhất cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng đánh giá cao vai trò, uy tín của Việt Nam; ngày càng tin tưởng vào nỗ lực và những đóng góp thực chất, hiệu quả của chúng ta. Nó cũng là một bằng chứng khẳng định rõ thêm sự đúng đắn của phương châm và định hướng lớn hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Nhưng trái với nỗ lực của đất nước, nhiều năm qua, các thế lực chống đối, thù địch lại luôn có cái nhìn méo mó, sai lệch về uy tín, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Không chỉ luôn tìm cách nói xấu Việt Nam, phủ nhận những thành tựu mà đất nước đạt được, chúng còn ra sức công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Trong khi người dân Việt Nam trong và ngoài nước phấn khởi, tự hào; bạn bè quốc tế tin tưởng, nể trọng trước những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm “vai trò kép” - Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thì chúng lại tìm cách hạ thấp bằng luận điệu rằng truyền thông Việt Nam “đưa tin quá đà”, “đề cao quá mức” những gì mà Việt Nam đạt được. Thậm chí, chúng còn cho rằng “thật ra chỉ nhằm tuyên truyền cho vị thế và hình ảnh nhà cầm quyền là chính, chứ đâu có sáng kiến đóng góp gì đáng kể cho cộng đồng quốc tế”.

Đặc biệt, các thế lực này luôn tìm cách nói xấu đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Chúng cho rằng “đường lối trung dung này tự cô lập Việt Nam, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chúng xuyên tạc mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước khác. Từ đó, chúng hết khuyên Việt Nam “đi” với nước này lại “ngả” về nước kia, “tìm kiếm đối tác chiến lược” này rồi “thiết lập liên minh” với nước kia để đối phó với nước đang gây áp lực bất lợi cho mình…

Từ “tham gia” sang “định hình cấu trúc, luật chơi mới”

“Là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã giúp Việt Nam đóng góp một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Việc đẩy mạnh đối ngoại đa phương đã tạo cơ hội để chúng ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

Thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng và căn bản, nhất là quá trình chuyển đổi xã hội ở nhiều quốc gia, các liên kết kinh tế rộng lớn, cạnh tranh kinh tế - thương mại quyết liệt và quá trình định hình các cấu trúc mới trên toàn cầu cũng như ở các khu vực, nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương. Xu thế hầu hết các quốc gia đều đẩy mạnh hoạt động đa phương và tập hợp lực lượng nhằm thúc đẩy lợi ích, mở rộng không gian phát triển, tăng vai trò và tiếng nói trong cục diện đang định hình.

Với Việt Nam, đây là thời điểm chúng ta đang nỗ lực hoàn tất chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2021 - 2030 và các năm tiếp theo, với nhu cầu mới về đổi mới toàn diện. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tận dụng hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ cao độ nguồn lực, hỗ trợ từ các đối tác, nhất là các tổ chức quốc tế và khu vực, nhằm phục vụ phát triển của đất nước.

Trong giai đoạn sắp tới khi Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hơn, hoạt động đối ngoại đa phương sẽ phải chuyển mạnh từ “tham gia” sang “góp phần định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”. Các trọng tâm của ngoại giao đa phương sẽ là: Đảm nhận vai trò rộng lớn hơn (sáng kiến, ý tưởng, đóng góp chính sách, nhân lực, tài chính; chủ trì, điều phối, khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt trong ASEAN và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc...), tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới; liên kết kinh tế sâu rộng, gắn chuyển đổi số và phát triển bền vững; hoàn tất các cam kết quan trọng như Tầm nhìn ASEAN 2025 và sau 2025, Tầm nhìn APEC 2040, các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, Chương trình nghị sự đến 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu …

Trong mục tiêu vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải trong các cơ chế hợp tác có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển và an ninh của đất nước, việc đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế như Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020 - 2021 có vai trò quan trọng. Chúng ta đã thể hiện thành công trong quá khứ, nhất là trong năm 2020. Đó là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đối ngoại đa phương nhằm nâng cao vai trò, uy tín, tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước, cũng như bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.