Thành tựu của toàn nhân loại

ANTĐ - Vai trò của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 vừa được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tái khẳng định khi ông kêu gọi tất cả các nước cam kết thực hiện văn bản vốn được xem là “hiến pháp của đại dương”.

Các đại dương thanh bình sẽ nổi sóng nếu không có UNCLOS năm 1982

Ra đời ngày 10-12-1982 sau hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán,  UNCLOS 1982 là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản, 9 phụ lục và hơn 1.000 quy phạm pháp luật. Đây thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán.

Chính vì thế mà kể từ khi có hiệu lực từ 16-11-1994 đến nay, Công ước đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX và là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên, tính đến thời điểm hiện nay. Công ước đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của thế giới về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. 

Tham gia Công ước, các quốc gia ven biển được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Công ước cũng là cơ sở pháp lý chung để các nước phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn với nhau, góp phần tạo dựng sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. 

Đặc biệt, Công ước còn là cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, được thừa nhận và luôn được viện dẫn trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp để bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa, các quyền và lợi ích chính đáng của các nước thành viên.

Khó có thể tính hết tầm quan trọng và vị trí pháp lý của Công ước Luật Biển 1982 trong đời sống luật pháp quốc tế. Tại Hội nghị lần thứ 22 các quốc gia thành viên của Công ước, tổ chức tại New York tháng 6-2012, một lần nữa Công ước được khẳng định là thành tựu của nhân loại bởi những quy định của nó là kết quả của sự hợp tác - đấu tranh - xây dựng nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, quan điểm luật pháp… khác nhau; là sự thỏa hiệp giữa các quốc gia vì một nhận thức chung đối với tầm quan trọng sống còn của biển và đại dương đối với sự phát triển của nhân loại.

Sau 30 năm kể từ khi ra đời, theo đánh giá của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Công ước đã gần đạt được “mục tiêu phổ quát” mà Đại hội đồng LHQ đề ra từ năm 1982. Vấn đề đặt ra với thế giới hiện nay là cần phải khẳng định UNCLOS như  một nhân tố quan trọng của khung pháp lý quốc tế cũng như thừa nhận sự phổ quát toàn cầu của nó. 

Cũng cần ngăn chặn tính toán tham gia sân chơi luật pháp chung này nhưng lại chỉ viện dẫn và áp dụng những quy định trong Công ước có lợi cho quốc gia mình, hoặc không tuân thủ, thậm chí phủ nhận những quy định không có lợi cho quốc gia mình. Thiếu một khung pháp lý toàn cầu như UNCLOS, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ xung đột và khai thác tận kiệt nguồn tài nguyên đại dương.