Thanh tra y tế tốt nhất chính là người dân

ANTĐ - Bộ Y tế vừa công bố số điện thoại “nóng” 0973.306.306 và Email: duongdaynongyte@gmail.com được trực 24/24h để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp; chậm xử trí các tình huống khẩn cấp; không hướng dẫn hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh; có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế  cũng yêu cầu các bệnh viện tái thiết lập lại đường dây nóng trực 24/24h là số điện thoại của Ban Giám đốc để tiếp nhận các phản ánh của người dân. Theo đó, các bệnh viện có trách nhiệm tái thiết lập “đường dây nóng” của bệnh viện, kèm số điện thoại của Giám đốc đơn vị tại nơi người bệnh dễ thấy: Nơi đón tiếp, phòng khám, khoa khám bệnh, buồng bệnh, khoa điều trị… 

Đi vào hoạt động được 10 ngày mà đường dây nóng của Bộ đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi phản ánh về việc làm sai quy định, nội vụ tại các cơ sở y tế như tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ, thu viện phí cao, bảo hiểm y tế không được các nơi áp dụng đúng, giấy phép của các cơ sở y tế tư nhân... Mới thấy người Thanh tra y tế tốt nhất, đông nhất vẫn là người dân, mà không phải chi trả lương. Đây là một kênh thông tin và là một biện pháp góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm ngành Y, giúp quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. 

Nếu nói theo cách dân gian, thì năm nay là “năm hạn” của ngành Y tế Việt Nam. Những sự cố “tai ương” cứ liên tiếp nối đuôi nhau kéo đến đã khiến dư luận trong cả nước rất bất bình. Mặc dù vẫn có không ít thầy thuốc cứu chữa thành công những ca bệnh hiểm nghèo, nhưng cũng có y, bác sĩ để xảy ra sơ xuất dẫn đến bệnh nhân tử vong là điều khó có thể chấp nhận, tạo cái nhìn khắt khe đối với nghề y. Hàng loạt vụ việc chấn động là sự cảnh tỉnh cho thấy ngành Y tế đang còn nhiều vấn đề cần phải làm nếu như muốn lấy lại hình ảnh của mình trong lòng nhân dân.

Thực tế trong thời buổi kinh tế thị trường, con người ngày càng chạy theo những giá trị vật chất mà đôi khi quên đi các giá trị về mặt tinh thần, đạo đức làm xuất hiện một số biểu hiện xấu về mặt đạo đức ở một số ngành nghề, trong đó có ngành Y tế vốn được cho là từ mẫu. Cộng thêm với tâm lý bệnh nhân, nhất là đang phải cấp cứu, chỉ muốn sao cho khỏi bệnh nhanh, cứ “xì tiền” cho gọn, cho nhanh. Cứ thế, người nọ truyền người kia, dần dần người dân nhìn y, bác sĩ cứ như thể một người làm dịch vụ đơn thuần, chuyên “chặt chém” giá cao và người bệnh phải chấp nhận như một điều… bình thường. Những câu chuyện như vậy đã làm giảm sút nghiêm trọng hình ảnh người thầy thuốc.

Sự xuất hiện của đường dây nóng đáp ứng kịp thời mong mỏi của như đông đảo người dân, ít nhất là cũng sẽ có người lắng nghe để tiếp thu kèm theo lời hứa chỉnh sửa giúp người bệnh thấy nhẹ lòng. Rồi những vụ việc nổi cộm, nếu như được thông báo kịp thời tới những đơn vị, cơ quan quản lý cấp trên để xử lý ngay từ đầu, thì có lẽ điều xấu đã được giảm thiểu, thậm chí được ngăn chặn kịp thời, tránh những hậu quả không đáng có. 

Còn là sớm để nhận định về sự thành công của quyết tâm đẩy lùi tiêu cực trong ngành Y tế khi mới chỉ có một mối liên kết trực tiếp là đường dây nóng ra đời. Nhưng đường dây nóng phủ sóng trên phạm vi toàn quốc 24/24h, liên kết từ Trung ương đến các bệnh viện tỉnh, thành phố và y tế cơ sở sẽ là một biện pháp “chặn tiêu cực” từ xa. Người dân mong muốn làm sao từ thông tin đường dây nóng, ngành Y tế phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng và xử lý kịp thời, đó mới là mong đợi lớn nhất. Chứ nếu chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo thôi thì chưa đủ. 

Hy vọng rằng kể từ khi có đường dây nóng để xã hội thường xuyên giám sát chống tiêu cực, các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, phòng khám... sẽ nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình và trong thời gian tới sẽ không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến y đức nữa.