Thanh tra toàn diện Jetstar Pacific Airlines

(ANTĐ) - Cục Hàng không Việt Nam vừa nhận được đơn tố cáo của 2 kỹ sư làm việc tại Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) về việc hãng này vi phạm các lỗi về an toàn bay. Sự việc đang được Cục Hàng không Việt Nam điều tra, làm rõ.

Thanh tra toàn diện Jetstar Pacific Airlines

(ANTĐ) - Cục Hàng không Việt Nam vừa nhận được đơn tố cáo của 2 kỹ sư làm việc tại Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) về việc hãng này vi phạm các lỗi về an toàn bay. Sự việc đang được Cục Hàng không Việt Nam điều tra, làm rõ.

Hành khách đi máy bay của Jetstar Pacific
Hành khách đi máy bay của Jetstar Pacific

Trong lá đơn gửi tới Cục Hàng không Việt Nam, kỹ sư Bernard John McCune từng làm việc tại JPA cho rằng, việc bảo dưỡng máy bay tuy vẫn được thực hiện nhưng không ghi chép trong nhật ký kỹ thuật. Máy bay được thay thế thiết bị nhưng không thực hiện quy trình kiểm tra. Hệ thống quản lý an toàn của hãng không hoạt động vì nhân viên không báo cáo lỗi do lo sợ bị mất việc...

Kỹ sư này cho biết, trong suốt quá trình giám sát với những lỗi như trên máy bay sẽ không được đưa vào khai thác. Sự thiếu giám sát động cơ trên cánh máy bay không chỉ gây mất an toàn mà còn tốn kém cho các nhà khai thác vì máy bay phải dừng khai thác trong thời gian dài.

- Tháng 7 vừa qua, Hãng hàng không JPA bị Cục Hàng không Việt Nam rút ủy quyền nhân nhượng do nhân viên tự ý quyết định vấn đề hỏng hóc của máy bay.

- Ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh: “Phải xem xét hệ thống giám sát của cục đã chặt chẽ chưa, nếu đáng phát hiện được mà không phát hiện thì cũng cần xử lý”.

- Cục Hàng không Việt Nam đang kiểm tra tất cả các vấn đề mà đơn tố cáo nêu ra, bên cạnh đó cũng thanh tra một cách toàn diện.

- Ngày 10-11, tại hệ thống đại lý bán vé của JPA chưa có hiện tượng khách hàng trả lại vé.

Theo kỹ sư này, ngày 14-9-2009, trong ca làm việc khi thực hiện bảo dưỡng giữa 2 lần bay cho máy bay A320, số đăng ký VA-A195 đã phát hiện miệng hút động cơ bị tách lớp vượt quá giới hạn cho phép (không được khai thác). Sự việc đã được báo cáo cho ca trưởng và giám đốc bảo dưỡng nhưng máy bay vẫn được đưa vào khai thác.

Trước những thông tin tố cáo trên, bà Daniela Masilli - Phó Tổng giám đốc điều hành, phụ trách khai thác của hãng này khẳng định, yếu tố an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu, điều này được phản ánh bởi những thủ tục và tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt.

Trao đổi với PV Báo An ninh Thủ đô xung quanh sự việc này, ông Lại Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, Cục Hàng không cũng như các hãng hàng không khác hết sức lo ngại. Nếu sự việc đúng như những gì mà kỹ sư Bernard phản ánh thì ảnh hưởng sẽ tác động tới cả ngành hàng không Việt Nam. Vì đúng như vậy chứng tỏ hệ thống đảm bảo an toàn của Việt Nam là có vấn đề. Điều này ảnh hưởng tới cả uy tín của ngành hàng không Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Thanh cũng cho biết, nếu hỏng hóc được phát hiện và đưa vào bảo dưỡng thì vẫn trong tầm kiểm soát kỹ thuật (là hoạt động bình thường). Còn trong đơn gửi tới Cục Hàng không nói tới việc cố tình biết hỏng nhưng vẫn tiếp tục cho phép khai thác bay, đây là vấn đề cần phải thanh tra. Nếu có lỗi thực sự hãng có thể bị rút cả giấy phép bảo dưỡng cũng như giấy phép khai thác. Còn việc có lỗi kỹ thuật dẫn tới việc chậm chuyến, hủy chuyến không đồng nghĩa với việc không đảm bảo an toàn. An toàn là phải phát hiện được các lỗi hỏng hóc để sửa chữa.

Trước câu hỏi, liệu thông qua việc thanh tra có phát hiện được những lỗi do cố tình thực hiện? Ông Thanh cho rằng, thanh tra là phải phát hiện được và nhiệm vụ là phải phát hiện được nếu có lỗi. Trường hợp không phát hiện được nếu có lỗi thực sự thì thanh tra phải chịu trách nhiệm. Hệ thống ghi chép của hãng hàng không rất ngặt nghèo, bất kỳ công việc nào liên quan đều phải được ghi nhật ký do đó về mặt nguyên tắc phải phát hiện được.

Xung quanh lo ngại về việc Jetstar là hãng hàng không chi phí thấp, liệu chi phí bảo dưỡng có bị cắt giảm hay không? Ông Thanh cho biết, đã gọi là hãng hàng không chi phí thấp thì ngay cái tên đã phản ánh đầy đủ là hãng phải có cách thức giảm các chi phí mới gọi là hãng hàng không chi phí thấp. Nhưng về nguyên tắc không cho phép tính chi phí đó vào bảo đảm an toàn. Cả cộng đồng quốc tế quy định rõ về quy chế an toàn là áp dụng như nhau...

Trên thực tế không hãng nào dám cắt giảm chi phí này. Đối với hàng không, chỉ cần một lỗi là có thể chịu những quyết định xử lý nghiêm khắc, nhất là lỗi cố tình thì càng nghiêm khắc hơn. Chưa cần cơ quan chức trách xử lý mà chỉ cần bị khách hàng tẩy chay cũng đủ lao đao.

Anh Tú