Thanh tra Chính phủ thừa nhận có khuyết điểm trong bổ nhiệm cán bộ

ANTĐ - Thanh tra Chính phủ đã kiểm điểm, tự thấy rõ có một số khiếm khuyết, chưa đúng quy định trong việc bổ nhiệm ồ ạt gần 60 cán bộ cấp cục, vụ tại cơ quan này vào cuối năm 2011 và đã quyết liệt sửa chữa.
Thanh tra Chính phủ thừa nhận có khuyết điểm trong bổ nhiệm cán bộ ảnh 1
  Thanh tra Chính phủ lần đầu tiên trả lời về các vấn đề trong nội bộ ngành

Bổ nhiệm cán bộ quá số lượng cho phép

Đó là khẳng định của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khi trả lời các câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo quý 1-2014 diễn ra sáng nay, 11-4. Trước đó, từ đầu tháng 2-2014, một số nguồn tin được cho là từ chính nội bộ Thanh tra Chính phủ tiết lộ với báo chí về những vụ lùm xùm tại cơ quan này trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ sai quy định, thiếu minh bạch trong kê khai tài sản của lãnh đạo hay một số lãnh đạo có tài sản “khủng”… đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.

Cụ thể, thông tin đăng tải trên một số phương tiện truyền thông tiết lộ 2 khối tài sản kếch xù, một của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và một của ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ đương nhiệm. Đồng thời cũng xuất hiện thông tin ông Trần Văn Truyền trước lúc về hưu, chỉ tính từ tháng 3-2011 đến ngày 3-8-2011 đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp cục, vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đáng chú ý, trong số những cán bộ bổ nhiệm thời gian này, có cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém…            

Trước rất nhiều câu hỏi từ các cơ quan báo chí  “xoáy” vào vấn đề này, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định, do đặc thù của công tác thanh tra cũng như nhân sự tại cơ quan Thanh tra Chính phủ với nhiều cán bộ có năng lực nhưng đã quá tuổi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo nên vào năm 20011, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng quy chế về các điều kiện bổ nhiệm cán bộ. Trên cơ sở quy chế này, tháng 8-2011, Tổng Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ là ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm 23 cán bộ hàm cấp vụ trưởng, vụ phó. Bên cạnh đó có thêm một số cán bộ được bổ nhiệm để chuẩn bị cho 3 đơn vị mới được thành lập là Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp, Vụ Tiếp dân và giải quyết đơn thư…  

Tuy vậy, ông Trần Đức Lượng cũng thừa nhận, số cán bộ được bổ nhiệm trong thời gian cuối năm 2011 tại Thanh tra Chính phủ đội lên cao hơn so với bình thường. Trong đó, số cán bộ cấp vụ trưởng, vụ phó được bổ nhiệm vượt quy định về số lượng cho phép. Một vài trường hợp cán bộ được bổ nhiệm chưa đảm bảo đủ điều kiện về thời gian công tác, chứng chỉ nghiệp vụ, năng lực trình độ, cá biệt có đối tượng chỉ sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm đã có sai phạm. Thanh tra Chính phủ đã họp, tự kiểm điểm, nhận rõ những khuyết điểm, sai sót, hạn chế trong việc bổ nhiệm cán bộ nói trên. Trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm này thuộc về tập thể Ban cán sự Đảng cơ quan Thanh tra Chính phủ và trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, cụ thể là Bí thư Bán cán sự Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ.

Cũng theo Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, sau khi kiểm điểm rõ những hạn chế nói trên, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch sửa chữa và thực tế đã sửa chữa rất quyết liệt trong năm 2012, 2013. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã hạn chế bớt số cán bộ cấp vụ được bổ nhiệm, chỉ bố trí 10 cán bộ cấp vụ, 16 cán bộ cấp phòng vào 3 đơn vị mới, không bổ nhiệm hàm cấp vụ. Những cán bộ được bổ nhiệm cấp vụ có các điều kiện chưa đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Một trường hợp cán bộ được bổ nhiệm có vi phạm bị cách chức. 3 đồng chí mới được bổ nhiệm không đáp ứng được nhiệm vụ bị bãi nhiệm; một số khác chưa đáp ứng được nhiệm vụ đã luân chuyển đến vị trí phù hợp hơn. Qua ra soát lại, đại đa số được bổ nhiệm đến thời điểm này đã đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao.

 Vì sao lãnh đạo Thanh tra có tài sản khủng?

 Nói về một số trường hợp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, cụ thể là ông Trần Văn Truyền, ông Ngô Văn Khánh có bảng kê khai tài sản kếch xù và liệu việc kê khai tài sản của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có thiếu minh bạch, ông Trần Đức Lượng khẳng định, đến thời điểm này, qua nhiều lần kiểm tra không hề thấy có cơ sở nào để nói các đồng chí nói trên thiếu minh bạch trong kê khai tài sản.

Những cán bộ không chỉ phải kê khai tài sản một lần mà còn phải kê khai tài sản thường niên theo từng năm. Qua kiểm tra bảng kê khai tài sản từng năm của số cán bộ nói trên đều thấy khớp nhau, kê khai đúng quy trình. Chưa kể mỗi lần được thăng chức thì cán bộ lại phải kê khai lại và có ban thẩm định kiểm tra tài sản kê khai này. Còn việc tại sao họ có khối tài sản lớn “kếch xù” cũng phải hiểu đúng bản chất của nó.

“Thanh tra viên cũng là công chức, có thu nhập dựa trên bảng lương, ngoài ra có thêm một số phụ cấp thâm niên, nghề, những người làm công tác tiếp dân có thêm bồi dưỡng về tiếp công dân, đi công tác có công tác phí theo quy định. Thanh tra Chính phủ có thêm một nguồn nữa là nguồn trích để lại (từ số tiền sau thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước), số tiền trích lại này được lập thành một quỹ để sử dụng mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra và một phần để chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra".

"Còn tại sao lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có nhiều tài sản thế? Tôi xin nói rằng nguồn gốc tài sản của nhiều người không bằng thu nhập của chính người đó mà cùa nhiều người khác trong gia đình. Có trường hợp chồng làm thanh tra nhưng vợ kinh doanh, con kinh doanh hoặc gia đình vốn dĩ đã giàu có từ trước. Không thể gắn tài sản của gia đình cán bộ đó với tài sản của chính cán bộ đó, dù theo quy định thì khi kê khai tài sản cán bộ phải kê khai cả tài sản sở hữu của gia đình mình. Hơn nữa, theo quy định pháp luật trước năm 2012, cán bộ không phải chứng minh nguồn gốc tài sản kê khai” – ông Trần Đức Lượng phân tích.