Thanh tra Chính phủ: Sai đâu phải sửa đó!

ANTĐ - Ngày 18-10, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên toàn quốc. Trong số này có những vụ gây rất nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua như vụ khiếu nại, tố cáo tham nhũng đất của nhân dân ở Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội)…

Đảm bảo cuộc sống cho nông dân sau khi thu hồi đất là cách làm giảm khiếu kiện về đất đai

 (ảnh minh họa)

Điểm nóng là khiếu nại đất đai

528 vụ khiếu nại, tố cáo được rà soát, giải quyết lần này nằm trong tổng số gần 2.000 vụ tồn đọng, phức tạp từ năm 2009, thậm chí có những vụ đã kéo dài suốt từ năm 1977 đến nay (ở Quảng Ninh), qua giải quyết nhiều lần, nhiều cấp nhưng vẫn chưa dứt điểm. Trong đó có khoảng 70% số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp đến là lĩnh vực về các chính sách xã hội. Theo Thanh tra Chính phủ, những vụ tồn đọng này đã kéo dài nhiều năm, do lịch sử để lại nên việc giải quyết hết sức khó khăn. Thực tế hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước cũng đã được điều chỉnh rất nhiều trong thời gian này nên không ít vụ việc hiện nay không có cơ sở luật pháp nào để giải quyết… 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua hơn 4 tháng triển khai, tính đến 15-10, đã kiểm tra, rà soát được 486/528 vụ việc (đạt 92%). Cụ thể, có 282 vụ các tổ công tác đã thống nhất với địa phương dự kiến chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt thụ lý, giải quyết (chiếm 58%); 131 vụ đã yêu cầu địa phương giải quyết, giải quyết lại hoặc xem xét hỗ trợ cho người dân; 41 vụ việc phức tạp, tổ công tác phải thống nhất cùng địa phương xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết, 32 vụ đang được các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp giải quyết. 

Dự kiến tới 31-10, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung lực lượng rà soát 42 vụ việc còn lại, chú trọng giải quyết dứt điểm 40% số vụ việc đã được rà soát, trong đó ưu tiên những vụ việc khiếu nại về đất đai trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm như vụ Văn Giang, Dương Nội… Riêng vụ việc ở Dương Nội, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, sau rà soát Thanh tra Chính phủ đã có phương án giải quyết. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kết luận của Thanh tra Chính phủ. Hiện TP Hà Nội đang tổ chức thực hiện theo kết luận, vận động thuyết phục và hỗ trợ người dân để chấm dứt khiếu nại.

Đảm bảo lợi ích cho người khiếu nại

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đợt rà soát này hướng đến tập trung giải quyết dứt điểm những vụ tồn đọng lâu ngày để đảm bảo quyền lợi cho dân, để dân yên. Cùng với việc rà soát, giải quyết những vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài này, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành Trung ương yêu cầu Chủ tịch các tỉnh, thành phố phải có giải pháp hỗ trợ người khiếu nại do các đợt giải quyết trước đó chưa đúng. Thậm chí cả những vụ mà trước đó chính quyền các cấp đã giải quyết đúng cho dân, đã đền bù đủ nhưng vì để kéo dài khiến người dân thiệt thòi quá nhiều thì cũng phải có hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống.

Đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định, quyền lợi của người dân sau “sửa sai” (các vụ khiếu nại tố cáo phải giải quyết lại) sẽ được đảm bảo. Ông Thanh nhấn mạnh, về nguyên tắc chung khi bộ, ngành Trung ương rà soát thì sai ở đâu là phải sửa sai ở đó. Nội dung khiếu nại của người dân nếu đúng sẽ được hưởng theo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn như đền bù về tiền, các địa phương đền bù các khoản tiền cho người dân đều có tính theo lãi suất. Còn nếu đền bù về đất cho người khiếu nại đúng, sẽ yêu cầu các địa phương đền bù cho người dân diện tích ở thuận lợi hơn so với nơi ở trước đây. “Chúng tôi đều tính toán kỹ lưỡng, thống nhất với địa phương phương án giải quyết để đáp ứng lợi ích chính đáng và tốt nhất cho người dân, có thế thì người dân mới đồng thuận, nếu không họ sẽ tiếp tục khiếu nại và không thể giải quyết dứt điểm được” - ông Thanh giải thích.

Riêng câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị đã giải quyết khiếu nại tố cáo không đúng, dẫn đến khiếu nại tố cáo kéo dài, khiến người khiếu nại vừa tốn kém vừa mất thời gian, Thanh tra Chính phủ cho biết, do có nhiều nguyên nhân dẫn tới tồn đọng vụ việc như: do nhận thức, hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, cơ chế, chính sách qua nhiều giai đoạn lịch sử… nên mục tiêu của kế hoạch rà soát lần này là giải quyết dứt điểm các vụ việc đó chứ không tập trung vào việc  tìm nguyên nhân sai phạm ở đâu. Đại diện Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, từ đợt rà soát này sẽ rút kinh nghiệm và sẽ phải làm thường xuyên, chu kỳ rà soát sẽ được rút ngắn lại, không để tồn đọng như thời gian qua.