Thanh tra Chính phủ kết luận một số thiếu sót, sai phạm tại VCCI

ANTĐ - Sáng 16-7, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong đó chỉ rõ 4 nội dung sai phạm tại đơn vị này.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra tại VCCI vừa được ban hành, đáng chú ý có nội dung mà Thanh tra Chính phủ đã làm rõ về việc VCCI sử dụng số tiền gần 10 tỷ đồng chênh lệch thu chi sau hội nghị APEC 2006. Theo đó, với số tiền gốc chênh lệch thu, chi từ Hội nghị APEC 2006 thực tế là hơn 9,4 tỷ đồng có nguồn gốc từ Ngân sách nhà nước, lẽ ra số tiền chênh này phải được sử dụng theo Luật Ngân sách nhà nước, nghĩa là nộp vào kho bạc nhà nước, thế nhưng VCCI đã chủ động gửi có kỳ hạn số tiền trên vào các ngân hàng trong thời gian nhất định để sinh lãi.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại VCCI


Trong thời gian từ năm 2008 đến 2009, VCCI còn rút tiền từ khoản gửi ngân hàng này để sử dụng chung cho các hoạt động của VCCI khi chưa được phép của các cơ quan quản lý, điều này đã vi phạm Luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác, căn cứ Quyết định số 0743/QĐ/PTM/TC của Chủ tịch VCCI về việc phân bổ sử dụng số tiền trên cho các dự án, còn 135 ngày số tiền hơn 9,4 tỷ đồng nói trên chưa được tính lãi. Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã xác định số tiền lãi lẽ ra phải được tính trong 135 ngày này là hơn 91 triệu đồng.

Về việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, VCCI đã mắc một số sai phạm. Cụ thể, với vai trò là chủ đầu tư, VCCI chưa thẩm định, phê duyệt, để cho Công ty Saturn phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán công trình và ký hợp đồng với các nhà thầu là không đúng thẩm quyền theo quy định. Đáng chú ý, đại diện của công ty Saturn – đơn vị hợp tác với VCCI đầu tư xây dựng trụ sở lại chính là một vị Phó tổng thư ký của VCCI… Ngoài ra, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, về nội dung "Chi tiếp khách từ năm 2009 đến 2011", cơ quan Thanh tra phát hiện trong tổng số 499 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để làm chứng từ thanh toán, có 362 hóa đơn đã bổ sung thông tin, trong đó có 147 hóa đơn (trị giá gần 479 triệu đồng) chưa xác định được đơn vị nào bổ sung thông tin.

Trao đổi rõ hơn với báo chí về một số nội dung chưa được làm rõ trong kết luận thanh tra tại VCCI mà Thanh tra Chính phủ vừa ban hành, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đã gặp khó khăn và lúng túng nhất định khi tiến hành thanh tra tại VCCI vì đây là lần đầu tiên thanh tra tại một tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ và tự chủ về tài chính, có đặc thù rất khác so với các đơn vị mà Thanh tra Chính phủ từng thanh tra. Tuy nhiên, đại diện cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định trong quá trình thanh tra tại VCCI, đoàn thanh tra hoàn toàn không chịu một áp lực “vô hình” nào, cuộc thanh tra tiến hành rất khách quan, minh bạch.

Nói về vấn đề có yếu tố “người nhà” trong việc hợp tác xây dựng trụ sở của VCCI khi người đại diện doanh nghiệp mà VCCI hợp tác để xây dựng tòa nhà trụ sở cũng chính là Phó tổng thư ký của VCCI, ông Trần Đức Lượng cho biết, đây là vấn đề khá phức tạp và đoàn thanh tra đã phải xác minh rất rõ. Cụ thể, sau khi tham khảo ý kiến Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định được việc hợp tác này không phải là sai quy định pháp luật, vì vị Phó Tổng thư ký của VCCI nói trên không phải là công chức hay viên chức nhà nước. Lợi ích của VCCI trong hợp tác kinh doanh xây dựng trụ sở vẫn được bảo đảm, việc hợp tác đầu tư này cũng chưa gây thiệt hại gì cho ngân sách nhà nước, mặc dù đoàn thanh tra phát hiện bản hợp đồng vẫn còn một số sơ hở, thiếu chặt chẽ.

Cũng liên quan đến các vấn đề sai phạm của VCCI, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết thêm, trong bản kết luận thanh tra gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị xử lý kiểm điểm các các nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo VCCI. Tuy nhiên, đối với các chức vụ Chủ tịch và Phó chủ tịch của VCCI, Thanh tra Chính phủ nhận thấy họ có sai phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, nên chỉ kiến nghị ở mức kiểm điểm trách nhiệm.