Thanh tra Bộ Xây dựng làm việc với Vicem: Giải trình, làm rõ nhiều nội dung nóng

ANTĐ -Ngày 25-9, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và một số cơ quan báo chí xung quanh dự thảo kết luận thanh tra Vicem.

Trước thông tin Vicem ủy quyền toàn diện cho Công ty TNHH Vĩnh Phước (có địa chỉ tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) xuất khẩu clinker, nhân đó, doanh nghiệp này đã lấy danh nghĩa xuất khẩu nhưng lại bán clinker trong nội địa để lấy chênh lệch gây thiệt hại cho Nhà nước, cán bộ Đoàn thanh tra cho biết, kiểm tra từ năm 2010-2014, Vicem không ủy thác cho đơn vị nào mà tự thực hiện thủ tục xuất khẩu clinker. Đối chiếu số liệu clinker Vicem mua của các đơn vị thành viên với lượng hàng đã được Vicem xuất khẩu thấy khớp nên nội dung tố cáo Công ty Vĩnh Phước lấy danh nghĩa xuất khẩu nhưng lại bán clinker trong nội địa là không có cơ sở. Sau khi nghe đại diện Vicem giải trình thêm, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Phạm Gia Yên nhận định,  giải thích của Vicem là thỏa đáng và Tổng Công ty không vi phạm pháp luật.

Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng (người mặc áo xanh, ngồi hàng ghế giữa):
"Trong thời gian tới, cơ quan thanh tra sẽ khẩn trương hoàn thiện kết luận thanh tra"

Về nội dung Vicem yêu cầu các công ty thành viên chuyển clinker cho các Công ty xi măng Hà Tiên 1 – Hà Tiên 2, rồi sau đó, do không sử dụng hết, bị tồn kho nên các doanh nghiệp này đã phải bán lỗ gần 500.000 tấn, cơ quan thanh tra đã kiểm tra hồ sơ và xác định, Vicem thực tế có chỉ đạo việc này. Thời điểm năm 2011, Công ty xi măng Hà Tiên 1 – Hà Tiên 2 đúng là có tồn kho gần 500.000 tấn clinker và sau đó đã bán ra ngoài. Tuy nhiên, giá bán ra vẫn cao hơn giá nhập khoảng 28.000 đồng/tấn nên không thể nói là “bán lỗ”. Giải trình thêm, đại diện Vicem cho biết, sở dĩ có việc chuyển clinker cho các Công ty xi măng Hà Tiên 1 – Hà Tiên 2, bởi tại thời điểm đó, miền Nam rất khan hiếm nguồn clinker. Do yêu cầu bình ổn, điều tiết thị trường, các cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo Vicem chuyển clinker vào Nam để chống “sốt” giá xi măng.

Một nội dung tiếp theo được đề cập là tố cáo Vicem đã chỉ đạo một số công ty thành viên thuê Vicem Tam Điệp gia công xi măng ở Ninh Bình, gây ra lãng phí lớn. Cơ quan thanh tra bước đầu xác định, thực tế, Vicem có chỉ đạo như vậy. Theo một cán bộ thanh tra, trong số 4 đơn vị thuê Vicem Tam Điệp gia công xi măng, 2 công ty được đánh giá là phù hợp song 2 doanh nghiệp còn lại có khả năng sản xuất thừa số tiêu thụ nên việc thuê gia công ở Ninh Bình là không phù hợp. Về việc này, đại diện Vicem giải thích, Vicem Tam Điệp làm ăn thua lỗ nhiều năm. Để tồn tại, doanh nghiệp này đã phải bán xi măng (dưới thương hiệu chung Vicem) với giá rẻ hơn các doanh nghiệp thành viên khác có khi 100.000 đồng/tấn xi măng. Trước tình trạng cạnh tranh nội bộ gay gắt, không đảm bảo hiệu quả kinh doanh, Vicem đã mời các doanh nghiệp thành viên cùng ngồi lại để bàn giải pháp tháo gỡ. Theo đó, 4 đơn vị thành viên đồng ý ký hợp đồng thuê Vicem Tam Điệp gia công, đóng bao xi măng để bán tại địa bàn lân cận Ninh Bình nhằm loại bỏ tình trạng cạnh tranh nội bộ. Thực tế chứng minh, giải pháp này có hiệu quả. Sau 9 năm liên tục lỗ, năm 2013, Vicem Tam Điệp đã có lãi. “Tổng Công ty không ép buộc mà các doanh nghiệp tự nhìn ra hướng giải bài toán nên mới ký hợp đồng” – đại diện Vicem nói.

Dù vậy, về nội dung này, Chánh Thanh tra Phạm Gia Yên nói: “Dù đúng hay sai, ý kiến cá nhân của tôi là phải chấm dứt việc các doanh nghiệp thành viên thuê Vicem Tam Điệp gia công đóng bao. Vicem Tam Điệp phải tự lực vươn lên, không làm được nữa thì thay lãnh đạo chứ việc thuê gia công không thể kéo dài”.

Xung quanh thông tin dư luận về việc “đại gia” Vicem chỉ toàn buôn đá (phản ánh các thành viên Vicem ở Hải Phòng và Ninh Bình dù có mỏ đá nhưng không khai thác mà lại đi mua đá về phục vụ sản xuất), cơ quan thanh tra cũng đã xác minh. Thông tin ban đầu cho thấy, Vicem Tam Điệp không mua ngoài, mà tự khai thác đá. Tại Hải Phòng, Vicem Hải Phòng có mua đá, với khối lượng mỗi năm vài trăm nghìn tấn. Đại diện Vicem giải thích: “Dù có mỏ đá đã được cấp phép nhưng Vicem Hải Phòng vẫn phải mua thêm đá từ công ty bên ngoài bởi từ nhiều năm nay, doanh nghiệp này không khai thác đủ đá để phục vụ sản xuất. Lý do đơn giản bởi khai thác mỏ đòi hỏi đầu tư cực lớn. Chỉ một chiếc xe chạy trong mỏ có giá cả triệu USD. Thay một chiếc lốp xe đã hơn 1 tỷ đồng...”.

Nội dung tố cáo cuối cùng liên quan tới việc tháng 12-2013, CTCP Xi măng Hà Tiên chào bán 120 triệu cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ. Trong khi giá cổ phiếu của Vicem Hà Tiên được giao dịch trên sàn chỉ là 5.200 đồng/CP, thì 120 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này lại bằng mệnh giá, 10.000 đồng/CP. Với kết quả đó, Vincem Hà Tiên đã xóa được khoản nợ trên 1.200 tỷ đồng với các công ty thành viên của Vicem tại phía Bắc song thương vụ này được cho là đã gây thất thoát tiền của Nhà nước. Giải trình về thông tin này, đại diện Vicem khẳng định, không có chuyện thất thoát hay Vicem làm trái pháp luật. Việc Vicem mua cổ phần nhằm tái cơ cấu lại Vicem Hà Tiên đã có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đúng là tại thời điểm giao dịch, thị giá của cổ phiếu Vicem Hà Tiên chỉ có 5.200 đồng song pháp luật không cho phát hành dưới mệnh giá. Thêm nữa, nói thiệt hại là không chính xác bởi sau đợt phát hành, giá cổ phiếu Vicem Hà Tiên có lúc lên tới hơn 17.000 đồng và hiện nay đang dao động quanh mốc 15.000 đồng/cổ phiếu. “Lúc đó, chúng tôi bỏ ra 1.200 tỷ đồng, nay nếu bán ra, sẽ thu về gần 2.000 tỷ đồng. Nếu chỉ để kiếm lời, chúng tôi cũng muốn bán ngay nhưng Vicem không làm vậy. Bởi đây được xem là khoản đầu tư dài hạn, phục vụ chiến lược phát triển của Tổng Công ty và các doanh nghiệp thành viên chứ không phải cứ có lời là bán như các nhà đầu tư ngắn hạn khác...” – đại diện Vicem lý giải.

Chốt lại cuộc làm việc, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Phạm Gia Yên ghi nhận ý kiến của các bên liên quan. Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nói: “Trong thời gian tới, cơ quan thanh tra sẽ khẩn trương hoàn thiện kết luận thanh tra, đảm bảo có lý, có tình, chính xác, khách quan, công bằng...”.