Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong bối cảnh Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 3/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Toàn thị trường hiện có 272.263 POS và 19.714 ATM (tăng tương ứng 6,06% và 0,85% so với cùng kỳ năm 2020).

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị);

Giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị);

Giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị).

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay

Hệ thống trung tâm điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính hoạt động ổn định, an toàn. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống trung tâm điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị là hơn 31 triệu tỷ đồng (tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với 3 tháng đầu năm năm 2020).​

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng, đạt 482,5 triệu món với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 103,26% về số lượng và 147,65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020).

Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 về Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cho thấy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Theo đó, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ, như 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án.