Thanh toán không dùng tiền mặt: Còn nhiều lực cản

ANTD.VN - Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Phần lớn người sử dụng ATM mới chỉ dùng thẻ để rút tiền mặt

Chính phủ cũng đặt mục tiêu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng... Đặc biệt, sẽ xem xét nghiên cứu ban hành quy định giao dịch bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền…) phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chậm thay đổi thói quen 

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt đem lại lợi ích rất lớn cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và cũng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra, cần nhiều giải pháp đồng bộ bởi thói quen, môi trường, trình độ, văn hóa… đang là những lực cản đối với thanh toán không dùng tiền mặt.

Đơn cử như trong lĩnh vực thuế, mới đây, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát hạn cuối mới đi nộp...

Tương tự, trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay, mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Một trong những nguyên nhân là thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân.

Hiện mới chỉ có 18,47% Khách hàng nộp tiền điện qua tài khoản 15% Thanh toán qua ATM

TS Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc thanh toán qua thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng, thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM là chủ yếu (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán... Lý giải vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển thương mại cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là khu vực nông thôn. Trong khi đó, hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều. 

Phí sử dụng thẻ còn cao

Cũng theo các chuyên gia, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán chưa hoàn thiện cũng là một cản trở đối với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là quốc gia có nền kinh tế phi chính thức phát triển với đặc điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy mô nhỏ, lẻ dẫn đến khó thanh toán qua thẻ.

Một điều quan trọng nữa là tội phạm trong lĩnh vực thanh toán (như gian lận tài khoản thẻ, thẻ giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao để đánh cắp thông tin và tiền trong tài khoản cá nhân…) gần đây có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết nhưng đi kèm với đó phải nâng cao tính  bảo mật cho người dùng. 

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc đầu tư công nghệ bảo mật ở các ngân hàng hiện nay không rẻ nhưng có thực tế là đang thiếu sự liên thông, liên kết. Đa số vẫn là “mạnh ai nấy làm” nên hệ thống thanh toán chung nhưng bảo mật lại riêng từng ngân hàng đầu tư. Vì vậy, các ngân hàng thương mại cần hợp tác với nhau xây dựng một hệ thống bảo mật để cùng chia sẻ chi phí, cùng hưởng lợi và chăm sóc khách hàng được tốt hơn.

Bên cạnh đó, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao. “Người sử dụng thẻ còn phải chịu nhiều loại phí như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ…” - TS Bùi Quang Tín liệt kê. Vì vậy, để đạt được mục tiêu, đề án cũng đề cập đến xu hướng phí giao dịch tiền mặt sẽ tăng lên và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt, giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng...