- Ghi nhận những thành tựu quyền con người của Việt Nam
- CPTPP mở rộng cửa hợp tác cho Việt Nam và Canada
- Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được cả Mỹ và Triều Tiên tin cậy
Toàn cảnh khóa họp lần thứ 63 Ủy ban địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW 63) tại New York (Mỹ)
Là sự kiện nằm trong khuôn khổ khóa họp thứ 63 của Ủy ban địa vị phụ nữ, sự kiện này có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh lĩnh vực năng lượng và công nghiệp có tỷ lệ phụ nữ tham gia còn thấp. Nguyên nhân là do các chính sách trong những ngành nghề này chưa tính đến một cách toàn diện các nhu cầu của phụ nữ, cũng như chưa khai thác được các tiềm năng đóng góp to lớn của phụ nữ.
Là những ngành kinh tế quan trọng và cơ bản của một quốc gia, năng lượng và công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Trong khi năng lượng được coi là động lực cho các ngành kinh tế khác, thì công nghiệp cung cấp hầu hết các tư liệu sản xuất, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho tất cả các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm tiêu dùng có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế và nâng cao trình độ văn minh của toàn xã hội.
Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong các ngành này còn nhiều hạn chế. Định kiến giới, phân biệt đối xử, và cả gánh nặng công việc gia đình đã khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội để nâng cao tay nghề, xây dựng năng lực, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, cũng như cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.
Trong bối cảnh đó, sự kiện vừa diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong vai trò đồng tổ chức đã tạo thêm được một bước nữa trong thay đổi nhận thức, từ việc nhìn nhận phụ nữ là những người dễ bị tổn thương sang công nhận phụ nữ chính là những người tạo ra thay đổi, tham gia và đóng góp ngày càng năng động, tích cực trong các ngành nghề vẫn thường được cho là “lĩnh vực của nam giới” như năng lượng, công nghiệp, điện tử, khoa học -công nghệ.
Kinh nghiệm quý mà Việt Nam mang đến sự kiện này là thành tích về bình đẳng giới mà thế giới đã ghi nhận. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê những năm gần đây cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 48% lực lượng lao động. Trong đó, phụ nữ đóng góp tích cực vào các lĩnh vực công nghiệp như dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện, điện tử, hóa chất, thủy điện.
Các con số thống kê cũng cho thấy tỷ lệ lao động nữ đã qua trung cấp nghề, cao đẳng nghề và đại học cao hơn hẳn so với nam. Điều này khẳng định rằng, sự hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật đã không còn là những tác nhân quan trọng kìm hãm việc phát huy vai trò và tiềm năng của lao động nữ. Tỷ lệ lao động nữ trong các ngành và lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao cũng rất ấn tượng: 34%.
Những chính sách như Luật Bình đẳng giới đề ra mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử đã tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ tham gia phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận thông tin, vốn, thị trường, cũng như lao động. Nhiều bộ, ngành địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, về Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm...
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã áp dụng các chính sách hỗ trợ hiệu quả như giờ làm linh hoạt cho các lao động nữ đang nuôi con nhỏ, trả lương toàn phần cho phụ nữ trong thời gian nghỉ nuôi con, cung cấp phòng chăm sóc trẻ tại nơi làm việc.
Chính nhờ những chính sách này mà nhiều doanh nhân và nhà khoa học nữ của Việt Nam đã thành công, được vinh danh bởi những cống hiến và đóng góp quan trọng cả ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Hơn 41% số chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh và hơn 20% chủ doanh nghiệp là nữ. Vai trò ngày càng tích cực của lao động nữ sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.