Thành quả xử lý nợ xấu ngân hàng có nguy cơ bị “thổi bay” do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 khiến nợ xấu các ngân hàng quay lại mức cao, nguy cơ thổi bay toàn bộ nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống trong vòng 4 năm qua.

Nợ xấu ngày càng “xấu hơn”

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA), hơn 4 năm kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (15/8/2017), ngành ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.

Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 là 424,1 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể tính đến hết tháng 8/2021.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại khi số nợ cơ cấu theo các Thông tư 01, 03 và 14 có nguy cơ rất lớn biến thành nợ xấu.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu nợ cho khoảng 600 nghìn tỷ đồng dư nợ. Con số này, theo ông Hùng vẫn chỉ ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh tới năm sau, bởi trên thực tế có 3 triệu tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong khi các ngân hàng phải tiếp tục xem xét cho vay mới trên nền tảng nợ đã được cơ cấu mà bản chất là nợ xấu. Vì vậy, trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống gần thành công, thành quả 5 năm phấn đấu, theo ông, đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ khiến ngành ngân hàng phải “gồng” sức.

Cũng nêu những khó khăn của ngân hàng khi đối mặt với nợ xấu gia tăng, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban chính sách (VNBA), đồng thời là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, thống kê tại 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, đến hết quý III/2021 tổng nợ xấu là 113 nghìn tỷ đồng, cao hơn 26% so với đầu năm.

Trong khi đó, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu cũng gặp nhiều khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm 2021 công tác thu hồi nợ đạt 90,1 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 63% so với cuối 2020.

Nợ xấu hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại (Ảnh minh họa)

Nợ xấu hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại (Ảnh minh họa)

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện nay, trung bình, mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng ngân hàng.

Thời gian qua, mặc dù ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước song nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng lên rất cao.

Cụ thể, trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng đã giảm từ 1,99% vào cuối 2017 xuống 1,9% năm 2018 và 1,63% năm 2019.

Tuy nhiên, con số nợ xấu này tăng trở lại lên 1,69% vào cuối 2020 và lên 1,9% cuối tháng 9 năm nay - gần như quay lại mức của năm 2017. Điều này cho thấy tác động ghê gớm của đại dịch.

Ngân hàng muốn sớm luật hóa Nghị quyết 42

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, thời gian qua Nghị quyết 42 đã giúp quá trình tái cơ cấu các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đạt một số kết quả tích cực, nhưng Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực vào năm tới.

Do đó, các tổ chức tín dụng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội để sớm Luật hóa Nghị quyết 42.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 sẽ giải quyết được vướng mắc lâu nay trong việc xử lý nợ khi người vay cố tình chây ì. Xử lý thu hồi nợ xấu hiệu quả sẽ giúp các nhà băng tiết kiệm nguồn lực và chi phí, cũng là điều kiện để giảm thêm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân.

Ông Vũ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Công nợ, Ngân hàng Vietcombank cũng cho rằng việc luật hóa Nghị quyết số 42 là rất cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các tổ chức tín dụng, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành có liên quan, xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững; các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng; cải thiện “cách nhìn” của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, đại diện BIDV, ông Trần Phương cho rằng Nghị quyết 42 hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm...

Do đó, ông Phương kiến nghị cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để giải quyết các nghiệp vụ xử lý nợ, tăng cường các hoạt động online, tránh tình trạng đình trệ tiếp nhận hồ sơ giải quyết, tạo lập, thúc đẩy thị trường mua, bán nợ...