Thành quả sau 4 năm "đả hổ diệt ruồi"

ANTD.VN - Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đã triển khai được gần 4 năm. Đây được đánh giá là một trong những chiến dịch mạnh mẽ và sâu rộng nhất trên toàn quốc. Đã có nhiều đổi thay trong cuộc sống của  người dân Trung Quốc từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” này.

Thành quả sau 4 năm "đả hổ diệt ruồi" ảnh 1Trung Quốc có nhiều đổi thay từ cuộc chiến chống tham nhũng 

Đỡ khoản “tiếp khách” hàng ngày

Mã Huy Sâm từng có tới 4-5 bữa trưa trong một ngày, không phải vì ông thích ăn uống mà bởi đây là một công việc rất quen thuộc của một số cán bộ. “Chúng tôi thường đón rất nhiều quan chức tới để “thanh tra” - ông Mã, Phó Bí thư Huyện ủy Ô Lan, phía tây tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc cho biết. Theo ông Mã, “thanh tra” ở đây gần nghĩa với “du lịch”.

 Hồ muối ở huyện Ô Lan là một điểm du lịch nổi tiếng và nơi đây đón tiếp nhiều nhóm quan chức tới tham quan mỗi ngày. Để bày tỏ sự hiếu khách, giới chức địa phương sẽ đồng hành với các quan chức trong các chuyến du lịch. Sau khi  chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, trong đó có “Quy định 8 điểm” về lối sống tiết kiệm và đúng mực đối với cán bộ - quan chức từ năm 2012 được triển khai, ông Mã Huy Sâm cảm thấy “thở phào”. “Chúng tôi không cần phải uống quá nhiều rượu hay tiêu tốn thời gian để nói chuyện quanh bàn ăn nữa. Bây giờ chúng tôi có thể tập trung vào việc cải thiện đời sống cho người dân” - ông Mã nói.

Ngày 9-12 vừa qua là Ngày Chống tham nhũng quốc tế, 4 ngày sau đó là kỷ niệm 4 năm ra đời “Quy định 8 điểm” của Trung Quốc. Bộ quy tắc này hạn chế hành vi lãng phí và chỉnh đốn phong cách làm việc của công chức Trung Quốc. Theo “Quy định 8 điểm”, thảm đỏ để đón tiếp quan chức bị cấm sử dụng, không được dùng xe công cho việc cá nhân, hạn chế gây xáo trộn giao thông như cấm đường cho quan chức di chuyển, yêu cầu tiết kiệm chi phí ăn uống, đi lại và nơi ở cho các chuyến công tác của cán bộ. Rất nhiều công chức và người dân Trung Quốc nhận thấy thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của họ nhờ vào “Quy định 8 điểm” này.

Mức chi tiêu công giảm 

Hồ Hiện Mẫn lái xe trong một cơ quan chính quyền ở tỉnh miền bắc Sơn Tây Trung Quốc 16 năm nay. Ông đã không mua ô tô  riêng cho tới năm 2014.  “Chúng tôi từng cảm thấy rất “oai” khi sử dụng xe công” - người lái xe này nói. Năm 2003, khi người cháu vào đại học, ông đã đưa cậu ta tới Bắc Kinh bằng một chiếc xe công. Tuy nhiên, hiện nay tất cả ô tô tại nơi làm việc của Hồ Hiện Mẫn đều được cài phần mềm định vị GPS. Mỗi tối những xe này đều phải đưa về garage theo quy định.  Trong suốt 4 năm qua, mức tiêu dùng xe công giảm từ 4,4 tỷ NDT (khoảng 639,5 triệu USD) một năm xuống còn 3 tỷ NDT, thống kê Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết. Gần 200.000 nhân viên chính phủ và đảng viên Trung Quốc bị phạt vì vi phạm “Quy định 8 điểm” tính từ năm 2012. Những người này liên quan tới 146.400 vụ việc và 1/4 là liên quan tới sử dụng xe công và chi phí ăn uống từ các quỹ công. 

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích từ chiến dịch chống tham nhũng, cá biệt có trường hợp người dân cảm thấy khó làm ăn vì sự siết chặt của các quy định. Một chủ nhà hàng cao cấp ở Hợp Phì, tỉnh An Huy trao đổi với hãng tin Tân Hoa xã rằng, việc kinh doanh trở nên chật vật hơn sau “quy định tiết kiệm”, bởi quan chức giảm lui tới nhà hàng này. 

Không chỉ vậy, tháng 10 vừa qua, một nghiên cứu cho thấy, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc có mặt “phản tác dụng”. Một số người dân đổ lỗi tham nhũng ở địa phương cho chính quyền trung ương hơn là cho giới chức khu vực, trong khi tỷ lệ quan chức bị trừng phạt vì tham nhũng chưa cao. Theo hai tác giả - làm việc tại một viện nghiên cứu của Đại học Trung Sơn Quảng Châu: “Nếu chính quyền địa phương xảy ra nhiều vụ tham nhũng, người dân sẽ chuyển trách nhiệm đó cho chính quyền trung ương, vì cho là họ thất bại trong quản lý”.

Dù vậy, theo ông Tân Minh - một Giáo sư thuộc trường Đảng Trung Quốc: “4 năm qua, phong thái làm việc của quan chức, cán bộ đã thay đổi. Đó là một khởi đầu tốt đối với sự quản lý chặt chẽ của trung ương”.