Thành phố “thông minh nhất” nước Mỹ

ANTĐ - Bằng việc cung cấp cho công dân những dữ liệu cập nhật và an toàn về tiêu thụ năng lượng, thành phố lớn thứ 9 ở tiểu bang Iowa, Hoa Kỳ đang thay đổi cả thế giới. Mô hình ở Dubuque khiến nhiều thành phố khác không thể không để ý đến.

Khi ông Roy Buol bước vào văn phòng Thị trưởng thành phố Dubuque, tiểu bang Iowa, Hoa Kỳ năm 2005, ông đã vạch ra hàng loạt việc cấp thiết. Trước tiên là những vấn đề mà ông đã lên tiếng lo ngại trong các chiến dịch tranh cử như giao thông công cộng, không gian xanh, chất lượng nước, và tái chế. “Hầu như ai cũng nghĩ nguồn năng lượng và tài nguyên quốc gia là vô hạn, nhưng chúng tôi thì không và chúng tôi có thể có lựa chọn tốt hơn khi sử dụng tài nguyên này”, ông Roy Buol đã truyền đi thông điệp ấy tới từng công dân trong thành phố.

 Năm 2006, ngài Thị trưởng Dubuque đã được cả hội đồng thành phố ủng hộ đưa tính bền vững là ưu tiên hàng đầu của thành phố. Nhưng phải đến năm 2009, Dubuque - thành phố với 60.000 dân, lớn thứ 9 trong bang đông dân thứ 30 của nước Mỹ mới bắt đầu quá trình chuyển mình thành một trong những thành phố quan trọng nhất nước Mỹ. Đó là khi thành phố ra mắt mô hình duy nhất hợp tác công/tư với tổ chức nghiên cứu IBM để tạo ra thành phố thực sự thông minh và bền vững đầu tiên của đất nước.

 Quan hệ đối tác này liên quan tới hàng loạt các nghiên cứu thí điểm nhằm thu hút và trao quyền cho công dân thông qua thông tin. Đầu tiên là thay thế đồng hồ đo nước công nghệ IBM với giao diện thông minh tại 300 hộ gia đình. Khoảng 1.000 hộ gia đình khác được lắp đặt đồng hồ đo điện thông minh. Chương trình cũng hỗ trợ 250 thiết bị đo khí gas tự nhiên để kiểm soát dữ liệu thực về tiêu thụ gas trong mỗi gia đình. Cùng với đó, sáng kiến Đi lại thông minh hơn với 1.000 người tình nguyện cho phép IBM và nhà chức trách giám sát việc đi lại của công dân qua điện thoại thông minh và công nghệ nhận dạng qua tần số radio để tính toán cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng và hiệu quả hơn.

 Dữ liệu qua những công nghệ thử nghiệm này không chỉ cơ quan hữu trách mới biết mà được cung cấp trực tiếp đến công dân của Dubuque qua những cổng thông tin an toàn. Ý tưởng của các sáng kiến đó là nếu người dân có được công cụ hay thông tin cụ thể để hiểu thế nào là sống chưa hiệu quả, họ sẽ thắt chặt việc làm hàng ngày.

 Mặc dù mới chỉ có thử nghiệm về nguồn nước là hoàn thành nhưng lợi ích đạt được ban đầu là hữu hình. Riêng về đồng hồ đo nước thông minh, lượng nước tiêu dùng trong một năm đã giảm 6,6% và nhờ có số liệu ghi lại mà số hộ tiêu thụ nước bất thường vì rò rỉ đường ống được phát hiện tăng gấp 8 lần. Đây là những công cụ do cá nhân quyết định nhưng cũng có thể xem là công cụ để hoạch định chính sách. Các dữ liệu tổng hợp này thành phố bắt đầu sử dụng để thẩm định các quyết định đầu tư, ví dụ, áp dụng công nghệ nước mới thì bao lâu sẽ thu hồi vốn? Thế nào là xây dựng một bãi đỗ xe để tránh làm tăng lượng phương tiện đi lại?

Ở Dubuque, ít lãng phí nước thải cũng có nghĩa là tiết kiệm năng lượng hơn. Cũng giống như nhiều thành phố khác, hơn 1/4 lượng nước sạch tại Dubuque mất đi do lãng phí. Nếu dữ liệu có thể giúp mỗi công nhân tự xác định sau đó sửa đổi thói quen dùng nước, mọi người đều được hưởng từ việc giảm tiêu thụ tài nguyên nước. Điều này có thể không nhận ra trước mắt nhưng những con số thể hiện trên thực tế.

 “Những ý tưởng này cho tôi hy vọng rất mạnh mẽ”, Thị trưởng Buol nói. “Tôi nghĩ đây là mô hình hấp dẫn với các thành phố khác. Có thể không phải là Dubuque hay Công ty IBM thứ hai nhưng họ muốn có được lợi ích tương tự cho công dân và doanh nghiệp của họ”. Năm tới Dubuque sẽ có các dữ liệu cứng về việc tiêu thụ điện, khí tự nhiên, quá trình đi lại của công dân và tiếp tục mở rộng quy mô của các mô hình đang áp dụng. Và nếu dự án tiếp tục đi theo quỹ đạo của nó, các thành phố khác chắc chắn không thể bỏ qua mô hình ở Dubuque.