Thành phố ở Nam Phi đếm ngược đến ngày không còn nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giờ đây, phần lớn thành phố Gqeberha ở khu vực vịnh Nelson Mandela, Nam Phi đang đếm ngược đến “Ngày không còn nước sạch”, dự kiến chỉ trong vòng 1 tuần nữa. Cuộc khủng hoảng này đã được cảnh báo trong nhiều năm và tình thế khó có thể đảo ngược.
Nếu không có mưa lớn, 40% diện tích của thành phố Gqeberha sẽ không còn nước sinh hoạt

Nếu không có mưa lớn, 40% diện tích của thành phố Gqeberha sẽ không còn nước sinh hoạt

Mỗi ngày, ông Morris Malambile chất đầy những thùng nhựa rỗng lên chiếc xe cút kít rồi đẩy từ nhà đến vòi có nước chảy gần nhất trong thị trấn. “Cảm giác quãng đường xa tít khi bạn đẩy 70kg nước về nhà trên một chiếc xe cút kít”, cư dân 49 tuổi ở Kwanobuhle - thị trấn nghèo của Nam Phi cho biết. Malambile làm việc này mỗi ngày trong suốt 3 tháng qua, bởi nếu không làm vậy, gia đình ông sẽ không có nước để uống. “Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nước sạch. Nhà có thùng chứa 150 lít nước, nhưng mỗi ngày, tôi phải đổ vào khoảng nửa thùng để đủ dùng và dự trữ một ít. Đây là thói quen của tôi mỗi ngày và nó thật mệt mỏi”.

Các vòi nước ở nhiều khu vực của Kwanobuhle bắt đầu cạn kiệt từ tháng 3-2022, và kể từ đó, hàng nghìn cư dân đã phải tìm kiếm nguồn nước uống cho gia đình họ. Thị trấn này chỉ là một trong số nhiều nơi thuộc thành phố Gqeberha, trước đây có tên là cảng Elizabeth ở khu vực vịnh Nelson Mandela bị ảnh hưởng. Nguồn nước sinh hoạt của họ dựa vào hệ thống 4 con đập nhưng đã bị khô cạn trong nhiều tháng, không có đủ mưa lớn để bổ sung. Cách đây 2 tuần, một con đập đã ngừng hoạt động do mực nước xuống quá thấp, sau khi các đường ống chỉ hút được bùn.

Ở quy mô rộng hơn, khu vực Đông Cape của Nam Phi đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài từ năm 2015 đến 2020, tàn phá nền kinh tế địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước trầm trọng ở đây là do việc quản lý kém, đường ống nước có hàng nghìn điểm rò rỉ khiến cho nước vào nhà dân hao hụt nhiều. Cùng với đó là hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu trời tiếp tục không mưa, không có nguồn bổ sung cho các hồ chứa, khoảng 40% diện tích của thành phố Gqeberha sẽ không còn nước sinh hoạt.

Trong gần 10 năm qua, các lưu vực sông cung cấp nguồn nước cho vịnh Nelson Mandela đều có lượng mưa dưới mức trung bình. Ông Garth Sampson, phát ngôn viên của Cơ quan Thời tiết Nam Phi ở vịnh Nelson Mandela, cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo các quan chức thành phố về điều này trong nhiều năm. Cho dù đổ lỗi cho các chính trị gia và quan chức quản lý yếu kém, hay công chúng không bảo vệ nguồn nước, điều đó không còn quan trọng nữa. Điểm mấu chốt là thành phố đang gặp khủng hoảng và tình thế khó có thể đảo ngược”. Chuyên gia này chỉ ra, cách duy nhất để cuộc khủng hoảng nước này có thể chấm dứt là một trận lũ lụt, hay ít nhất cần một trận mưa có lượng 50ml trong vòng 24 giờ. Nhưng dự báo cho thấy khu vực này không có mưa với cường độ như vậy.

Đầu tháng 6 này, chính quyền trung ương Nam Phi đã cử một phái đoàn cấp cao đến vịnh Nelson Mandela để giải quyết cuộc khủng hoảng và thực hiện các chiến lược khẩn cấp nhằm kéo dài nguồn cung cuối cùng đang cạn kiệt. Ngoài việc tập trung phát hiện và sửa chữa các điểm rò rỉ, họ cũng đề ra giải pháp khoan nước ngầm, khai thác nước tích trữ dưới mực nước chết. Nhưng đó chỉ là giải pháp khẩn cấp. Về lâu dài, một nhà máy khử muối - để làm sạch nước biển phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng đang được tính đến, mặc dù những dự án như vậy đòi hỏi phải có thời gian, tốn kém và gây ảnh hưởng đến môi trường khi sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Người dân ở Kwanobuhle cảm thấy lo lắng về tương lai, tự hỏi khi nào cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc. Trong tâm trí người dân ở đây, cuộc khủng hoảng nước năm 2018 ở Cape Town cũng được bắt nguồn bởi đợt hạn hán nghiêm trọng trước đó cũng như các vấn đề về quản lý nguồn nước. Khi đó, nguồn nước sinh hoạt chưa về đến mức 0 nhưng sát tới mức nguy hiểm. Thành phố đã phải sử dụng biện pháp phân bổ nghiêm ngặt để giảm một nửa lượng nước sinh hoạt và ngăn chặn điều tồi tệ nhất. Và dự kiến, chính quyền khu vực vịnh Nelson Mandela cũng sẽ yêu cầu cư dân giảm lượng nước sử dụng để trì hoãn “Ngày không còn nước sạch”.