Thành phố không khói thuốc

(ANTĐ) - Ngồi quán nước vỉa hè, uống một chén trà, ăn một chiếc kẹo lạc, hút một điếu thuốc và nhìn ngắm phố phường, chuyện vãn với những người xung quanh, là một đặc điểm thường thấy ở Hà Nội. Và cũng từ quán trà ấy, nhiều người đã nuôi sống cả gia đình, chu cấp cho con học đại học. Từ quán trà ấy, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được nảy mầm. Và cũng từ quán trà ấy, biết bao nhiêu lần khói thuốc bay lên trời, luẩn quẩn vào phổi của đám đông quanh đó.

Thành phố không khói thuốc

(ANTĐ) - Ngồi quán nước vỉa hè, uống một chén trà, ăn một chiếc kẹo lạc, hút một điếu thuốc và nhìn ngắm phố phường, chuyện vãn với những người xung quanh, là một đặc điểm thường thấy ở Hà Nội. Và cũng từ quán trà ấy, nhiều người đã nuôi sống cả gia đình, chu cấp cho con học đại học. Từ quán trà ấy, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được nảy mầm. Và cũng từ quán trà ấy, biết bao nhiêu lần khói thuốc bay lên trời, luẩn quẩn vào phổi của đám đông quanh đó.

>>>Thuốc lá - đáng sợ hơn HIV và tai nạn giao thông

Điều thú vị khi ngồi quán vỉa hè ở Hà Nội thì nhiều người đã nói. Nhưng cái dễ làm tôi chán nhất, muốn đứng dậy bỏ đi ngay, là mỗi khi ngồi ở một quán vỉa hè nào đó, là gặp phải đám đông hút thuốc… vô tội vạ. Vô tình thôi, nhưng khói thuốc cứ ám chặt lấy mình, khiến mình trở thành người hút thuốc thụ động lúc nào không hay. Tôi nhớ, trong một nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng 600 trường hợp tử vong mỗi năm do hít phải khói thuốc lá và 1/3 trong số này là trẻ em.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và một số liệu khác: do hút thuốc lá thụ động, ước tính có 379.000 trường hợp tử vong do bệnh tim; 165.000 viêm nhiễm hô hấp và 36.900 trường hợp bị hen suyễn, 21.400 người bị ung thư phổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc là một dạng hỗn hợp khí và bụi, có khoảng 3.800 chất hóa học, trong đó có 40 chất được xếp vào loại gây ung thư, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết dẫn đến những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ… Điều thật sự nguy hiểm hơn, khói thuốc có thể tồn tại trong không khí tới 2 giờ, dù chúng ta không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Bởi vậy, những người thường xuyên sống hoặc làm việc cạnh người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương việc hút 5 điếu mỗi ngày. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cứ mỗi giờ ở cùng phòng với người hút thuốc lá, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp trăm lần so với việc sống 20 năm trong tòa nhà nhiễm chất độc arsenic.

Đó là những con số đáng lo sợ.

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, chính quyền thành phố Hà Nội đã phối hợp với WHO để thực hiện dự án “Hà Nội - thành phố không khói thuốc”. Tuy nhiên, xem ra từ dự án tới hiện thực quả là rất xa vời. Đã có rất nhiều nỗ lực để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, và ai cũng biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, khiến người ta có thể bị ung thư phổi và nhiều thứ bệnh khác nữa. Đã có những quy định không được hút thuốc lá nơi công cộng hay trong công sở; và cũng đã có những chế tài xử phạt… Nhưng rất dễ để bắt gặp hình ảnh người người hút thuốc ở nhiều nơi giữa lòng Thủ đô “văn minh, xanh, sạch, đẹp”: từ công sở, bến xe, bến tàu, nhà hàng, khách sạn, thậm chí… trong bệnh viện.

Mới rồi, đọc thông báo của văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) mà trong tôi cứ vương vấn một nỗi buồn. Thông báo cho biết rằng, trong vòng 17 tháng qua (từ ngày 1-1-2010, khi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có hiệu lực), mới chỉ có tỉnh Lào Cai xử phạt được 10 người vi phạm, mức phạt tổng cộng 1,5 triệu đồng. Còn Hà Nội là trung tâm của cả nước, số người hút thuốc chắc chắn cũng ở “top” đầu, vậy mà chưa ai bị xử phạt.

Thậm chí, ngay giữa Thủ đô, vẫn đang tồn tại một nhà máy sản xuất thuốc lá. Có lẽ mãi mãi tôi không thể quên được ấn tượng về những ngày học trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vừa ngồi giảng đường nghe các Giáo sư giảng vừa phải hít thở trong bầu không khí đặc quánh mùi thuốc lá bốc ra từ phía nhà máy sản xuất đối diện. Những ống khói cao vút, cứ đều đặn phả khói vào bầu không khí. Tôi nghĩ những người dân phải sống quanh đó cũng không thấy dễ chịu chút nào.

Việt Nam bao giờ thoát khỏi danh sách những quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới? Bao giờ Hà Nội thực sự là thành phố không khói thuốc? Câu hỏi này thật sự không dễ trả lời dứt khoát, bởi nó phụ thuộc chính vào ý thức của tất cả cư dân sống và đến với thành phố này. Nhưng trông chờ vào ý thức là một câu chuyện dài, ẩn chứa nhiều điều rủi ro, thậm chí thất bại. Bởi thế, theo tôi, cần tiếp tục có những chế tài xử phạt thật nghiêm, thật nặng những người hút thuốc nơi công cộng. Và đương nhiên, những nhà máy sản xuất thuốc lá không có lý do gì để hiện diện ngay giữa chốn đông người. 

Hoàng Thu