Thanh niên Hà Nội một thời sôi nổi xây dựng Thủ đô như thế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 1954, khi Hà Nội mới được giải phóng, dân số chỉ có khoảng 53 nghìn người. Đến năm 1961 thì tăng lên 91 nghìn. Thủ đô sau những năm tiếp quản từ tay thực dân Pháp còn ngổn ngang bao khó khăn, trở ngại. Các nhà máy, công xưởng bị tàn phá, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt bị tê liệt, tệ nạn xã hội của chế độ cũ để lại như cô đầu, nhà thổ, các băng nhóm lưu manh vẫn nhan nhản…

Trước những khó khăn, phức tạp của một thành phố lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, Chính phủ cách mạng đã kêu gọi người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên bắt tay xây dựng một Thủ đô xã hội chủ nghĩa văn minh, lành mạnh.

Nhà văn Duy Ngọc

Nhà văn Duy Ngọc

Sẵn sàng vì Hà Nội

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào thanh niên Thủ đô hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam diễn ra sôi nổi. Cả một thế hệ trẻ sẵn sàng xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà đất nước cần. Nhiều bạn trẻ nam nữ hăng hái đăng ký tình nguyện đi xây dựng Tổ quốc.

Khi dư âm của những ngày Tết dân tộc vẫn còn đọng lại trong tiết xuân ấm áp thì từng đoàn xe ô tô cờ quạt, băng rôn kèm tiếng trống rộn rã khắp đường phố đã chở những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ đi xây dựng đường 12B Hòa Bình, rồi tiếp đến là các công trường, nông trường xa xôi vùng Tây Bắc.

Ngay tại Hà Nội, các sinh viên, học sinh cũng hưởng ứng phong trào xây dựng, cải tạo những khu vui chơi, công viên, vườn hoa công cộng. Một trong những công trình mà cả thế hệ tuổi trẻ lúc bấy giờ không thể quên là công trường hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất) trên đường Trần Nhân Tông.

Thanh niên Hà Nội lao động công ích, nạo vét hồ Bảy Mẫu, xây dựng công viên Thống Nhất

Thanh niên Hà Nội lao động công ích, nạo vét hồ Bảy Mẫu, xây dựng công viên Thống Nhất

Hồ Bảy Mẫu có diện tích ban đầu khoảng 7 mẫu Bắc bộ (25.200m2), ban đầu hồ này thông sang hồ Ba Mẫu với tổng diện tích 28ha. Từ khi làm con đường Lê Duẩn thì 2 hồ được tách riêng. Hồ Bảy Mẫu trước kia thực ra là một con đầm rộng với cây cỏ bao quanh um tùm, mặt nước đen ngòm do nước thải từ các cống rãnh dân cư sinh sống ven đô đổ về. Trên mặt hồ rác rưởi, xác súc vật chết nổi khắp nơi.

Mỗi khi đi qua khu vực này, người dân đều phải bịt mũi vì mùi xú uế. Đứng trước sự ô nhiễm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là bác sĩ Trần Duy Hưng (Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội) đã phát động phong trào cải tạo đầm, hồ thành công viên vui chơi giải trí cho người dân, trong đó có hồ Bảy Mẫu, hồ Thủ Lệ, đường Cổ Ngư… (nay là đường Thanh Niên). Hồ Bảy Mẫu lúc đó được coi là đại công trường trong phạm vi Hà Nội. Đề án cải tạo dựa trên quy hoạch thiết kế một khu công viên giải trí hiện đại bậc nhất Thủ đô vào thời điểm ấy.

Một thời để nhớ

Do yêu cầu xây dựng với quy mô lớn, thành phố đã tổ chức kêu gọi mọi lực lượng nhân dân tham gia lao động. Từ đấy, trên công trường Bảy Mẫu luôn có mặt hàng nghìn người với đủ mọi lứa tuổi, thành phần, nhưng nhiều nhất vẫn là các thanh niên nam nữ ở các khu phố, sinh viên đại học tham gia lao động ngày Chủ nhật, hay học sinh phổ thông tình nguyện lao động công ích trong những tháng nghỉ hè. Từng đoàn xe bò chở đầy bùn đen, rác thải được nạo vét từ lòng hồ nối đuôi nhau trên con đường đất mấp mô, gồ ghề. Cứ 2 người phụ trách 1 xe, kẻ kéo, người đẩy dưới cái nắng gắt mùa hè. Mồ hôi chảy xuống mắt cay sè nhưng ai nấy vẫn hăng hái làm việc. Đâu đó còn vang lên tiếng hát, điệu hò của một giọng ca không chuyên khiến không khí lao động bỗng náo nức quên cả nhọc mệt.

Ngày 30-5-1961, Công viên Thống Nhất chính thức khánh thành

Ngày 30-5-1961, Công viên Thống Nhất chính thức khánh thành

Vất vả nhất vẫn là những thanh niên xung phong xuống đáy hồ sâu làm phần việc nạo vét. Ai nấy bê bết bùn đen, bùn bám đầy cả chân tay, đầu tóc. Hồ hình thành lâu đời, lại chẳng bao giờ được nạo vét nên tích tụ thành một kho phế thải ngầm. Người ta lôi lên đủ các loại chum vại, bát đĩa vỡ, xương động vật, những thanh mã tấu rỉ sét, rồi súng đạn… thậm chí cả những bộ hài cốt không biết chôn vùi ở đó tự bao giờ.

Tôi cũng từng tham gia lao động trên công trường Bảy Mẫu cả tháng trời. Hồi ấy tuổi trẻ còn hăng hái thi đua nên lao động không biết mệt mỏi. Ngày nào cũng 8 tiếng trên công trường, đẩy xe bò, chặt cây, vét bùn, cuốc đất ngày nắng cũng như ngày mưa. Ấy thế nhưng nhờ cái không khí sôi động, phấn chấn của công trường mà ai nấy đi lao động cũng vui như trảy hội. Loa truyền thanh từng khu vực luôn thông tin đơn vị A, tổ B đã đạt năng suất vượt tiến độ đề ra, rồi thông báo tên các cá nhân xuất sắc và giới thiệu những giọng ca không chuyên đi hát cổ vũ khắp công trường. Những âm hưởng ấy thôi thúc thanh niên vừa lao động, vừa thưởng thức văn nghệ cho quên mệt nhọc. Xét ra, những giọng ca ngày đó cũng không thua kém dân chuyên nghiệp là mấy. Ca từ của “Bài ca hy vọng” với những trường đoạn cao vút khiến người nghe dù đang ngâm mình trong đống sình lầy, xú uế mà vẫn hình dung từng đôi chim bay trên bầu trời xanh thẳm và tương lai tươi đẹp của tuổi thanh xuân đang ở phía trước.

Sau khi xây dựng xong, người dân Hà Nội đã có thể dạo chơi ngày Xuân bên hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất (Tết Quý Mão 1963)

Sau khi xây dựng xong, người dân Hà Nội đã có thể dạo chơi ngày Xuân bên hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất (Tết Quý Mão 1963)

Giờ nghỉ trưa, từng nhóm ra nghỉ ngơi dưới bóng cây. Ai có đồ ăn gì mang theo đều ngả ra bãi cỏ ăn chung. Cũng chỉ là cơm nắm lạc rang, bánh mì rắc đường, xôi trắng muối vừng, bánh chưng, bánh tẻ… Bữa ăn đạm bạc mà ngon lành, bởi tất cả vừa ăn vừa chuyện trò, bình luận rôm rả cho đến khi tiếng kẻng công trường vang lên, ai nấy lại hối hả bắt tay vào việc.

Bây giờ mỗi lần tản bộ qua hồ Bảy Mẫu hay có việc phải đi ngang đường Trần Nhân Tông, nhìn cánh cổng công viên Thống Nhất, bên trong là những vườn hoa rực rỡ sắc màu, tấp nập kẻ ra người vào đủ mọi lứa tuổi, tôi lại mỉm cười không biết trong số những ông già bà lão đang tập dưỡng sinh ven hồ kia, có những ai đã từng cống hiến nhiệt huyết thanh xuân của những tháng ngày tươi đẹp để biến chiếc đầm hoang vu, bẩn thỉu trở thành một hồ nước trong xanh nhường ấy.