Thanh niên 9X lừa tiền bán vé xem bóng đá qua facebook

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhận thấy nhiều người có nhu cầu sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hóa thông qua internet, Phong liền “mua” tài khoản ngân hàng và lập hàng loạt facebook để lừa đảo…

Khép lại phiên xử ngày 6-4, TAND TP Hà Nội đã quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Hiểu Phong (SN 1998, trú ở thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, Hải Dương) mức án 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 100 cá nhân ở nhiều địa phương khác nhau.

Tiến hành xét xử, Tòa án Hà Nội làm rõ Nguyễn Hiểu Phong là đối tượng không có nghề nghiệp. Khoảng tháng 8-2018, do cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân, bị cáo lên mạng xã hội Facebook tìm hiểu thì biết đến hình thức lừa đảo bằng việc đăng bài viết nhận đặt mua vé bóng đá trận chung kết AFF Cup năm 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Malayssia; nhận đặt mua bé máy bay; đặt phòng khách sạn… để chiếm đoạt tiền cọc.

Nguyễn Hiểu Phong bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Nguyễn Hiểu Phong bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Thực hiện hành vi phạm tội, Phong liên hệ mua 5 tài khoản ngân hàng mang tên người khác, đồng thời lập 14 tài khoản Facebook khác nhau như Nông Thị Vy, Mỹ Ngọc Airline, Nguyễn Tanh Hải, Hạnh dasy…

Sau đó, Phong đăng tải các bài viết có nội dung nhận đặt mua vé bóng đá trận chung kết AFF Cup năm 2018 tại sân vận động Mỹ Đình, nhận đặt vé máy bay và các dịch vụ du lịch; nhận thanh toán hóa đơn tiền điện chiết khấu cao lên các trang nhóm về dịch vụ du lịch như: Hội săn vé máy bay giá rẻ, Sapa tất tần tật…

Sau khi có người liên hệ đặt mua, thanh toán các dịch vụ trên thì Phong yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc, thanh toán các dịch vụ. Bị cáo yêu cầu nếu muốn đặt mua vé bóng đá thì phải thanh toán luôn hoặc đặt cọc một phần tiền. Còn nếu muốn đặt phòng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng thì phải thanh toán trước 50%.

Đối với những người muốn đặt mua các dịch vụ du lịch hay thanh toán hóa đơn tiền điện thì Phong yêu cầu họ phải thanh toán hết tiền. Các nạn nhân thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Ngay sau khi nhận được số tiền đặt cọc, Phong liền chặn liên hệ với các bị hại, rút tiền để chi tiêu cá nhân.

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 8-2018 đến tháng 1-2020, bị cáo đã lừa đảo 96 người và chiếm đoạt được số tiền 757 triệu đồng. Để làm rõ vụ án, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ủy thác điều tra đến 10 đơn vị trên cả nước như Công an huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình; Công an TP Thái Nguyên; Công an quận 1 (TP HCM)…

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã khám xét và thu giữ số tiền 150 triệu đồng do Nguyễn Hiểu Phong giao nộp để khắc phục hậu quả, các thẻ ngân hàng… Hiện nay, cơ quan điều tra đã trao trả lại tiền cho 20/96 bị hại trong vụ án.

Quá trình giải quyết vụ án, những người bị hại đã nhận lại tiền không có yêu cầu bồi thường và đề nghị cơ quan pháp luật giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra cũng làm rõ, anh Phùng Đại Học mở 2 tài khoản ngân hàng để bán cho Phong với giá gần 2 triệu đồng. Nhưng Học không được Phong trao đổi, bàn bạc.

Khi phát hiện Phong sử dụng tài khoản ngân hàng vào mục đích phi pháp, Học đến cơ quan công an để tố giác Phong. Cơ quan điều tra xác định hành vi của Học chưa cấu thành tội phạm nên không đề cập xử lý.