Bộ Công Thương:

Thanh minh giá điện, xăng dầu

ANTĐ - Cho rằng vẫn còn một số bài báo phản ánh thông tin chưa đầy đủ hoặc chưa thật chính xác khiến dư luận bức xúc về kinh doanh xăng dầu và điện, ngày 27-12, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin liên quan về vấn đề này.

Định mức chi phí xăng dầu cần tăng lên?


Giá điện cần tăng 11,76%

Căn cứ vào quyết định số 21/TTg ngày 12-2-2009 về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012, Quyết định số 24/TTg ngày 15-4-2011 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh điện năm 2011 và kế hoạch sản xuất kinh doanh điện năm 2012, Bộ Công Thương đã chấp thuận phương án tăng giá điện thêm 5% kể từ 20-12-2011 của EVN. Bộ này cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện 5% mới phản ánh những thay đổi của các thông số đầu vào cơ bản so với phương án giá điện năm 2011 như: giá nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, cơ cấu nguồn điện. “Giá điện này chưa đảm bảo cho EVN hoạt động có lãi trong năm 2012 cũng như chưa đưa vào các khoản lỗ các năm trước.

Theo tính toán trước đó của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì dự kiến đợt điều chỉnh giá này phải là 11,76%”- Lãnh đạo Bộ Công Thương nói. Việc điều chỉnh giá điện thêm 5% vừa qua đã được cân nhắc kỹ các yếu tố, kể cả ảnh hưởng tới lạm phát tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân những tháng cuối năm!

Về vấn đề lương của cán bộ nhân viên điện lực, Bộ Công Thương cho hay được trả căn cứ vào kế hoạch sản xuất điện hàng năm. Ví dụ năm 2010 được tính là 5.434 đồng/1.000 kWh. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định trừ các doanh nghiệp bất động sản và bảo hiểm làm ăn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành của EVN vào ngân hàng An Bình và Công ty Tài chính điện lực đều có lãi.


Cần tăng chi phí kinh doanh định mức xăng dầu?

Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, căn cứ vào báo cáo của Petrolimex và kiểm toán độc lập, tổng thể từ năm 2008 đến hết tháng 9-2011, kinh doanh xăng dầu của đơn vị này là lỗ (trừ năm 2009 lãi 2.660 tỷ đồng).

Quan điểm của Bộ Công Thương là chi phí định mức kinh doanh xăng dầu không còn phù hợp với tình hình hiện nay do không đủ bù đắp các chi phí ngày càng tăng cao. Trong 2 năm 2010, 2011, ngày càng có nhiều đại lý, cây xăng đóng cửa do thu không đủ chi, thù lao quá thấp. “Việc chậm sửa đổi định mức này gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống đại lý xăng dầu”- lãnh đạo Bộ này bày tỏ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng gián tiếp cho biết cần tăng định mức chi phí kinh doanh xăng dầu so với hiện nay. Bộ này lập luận, ngày 7-4-2011, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến của Bộ Công Thương, đề nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mức chi phí kinh doanh như quy định hiện nay vẫn không đủ bù đắp chi phí thực tế. Ngày 19-12-2011, Bộ Tài chính xác nhận chi phí này không còn phù hợp.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “bức xúc” cho rằng các bộ không nên “mổ xẻ” chi phí kinh doanh xăng dầu định mức này. Theo doanh nghiệp, có lúc mức chi phí này được tính cao lên tới gần 1.000 đồng/lít xăng dầu nhưng có lúc lại rất thấp; tính trung bình định mức này thấp hơn quy định dẫn đến sự “thiếu hợp tác” của các đại lý, cây xăng.