Thanh lý xe công phải công khai, minh bạch

ANTD.VN - Giá thanh lý xe công trung bình chỉ trên 46 triệu đồng/chiếc trong khi những thông tin về các đợt thanh lý xe công gần như không thể tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến dư luận không khỏi ngờ vực về tính minh bạch trong việc thanh lý tài sản công. 

Cụ thể, theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, quản lý xe công đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thanh lý 1.105 ô tô, trong đó đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, tính ra bình quân 46,2 triệu đồng/xe. Ngoài ra, còn 2.041 chiếc đã xác định dư thừa và phải thực hiện thanh lý, tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương chưa báo cáo hết số lượng thanh lý về Bộ Tài chính.

Con số hơn 46 triệu đồng/chiếc xe được cho là mức giá không tương xứng so với giá trị xe, dù xe đã được sử dụng lâu năm. Tuy nhiên, nó vẫn còn cao hơn con số được Bộ Tài chính công bố hồi cuối tháng 6-2016. Khi đó, Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thực hiện thanh lý 264 xe ô tô công (tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng) nhưng giá trị trên sổ sách kế toán của số xe này chỉ còn lại 390 triệu đồng. Như vậy mức giá còn lại bình quân của mỗi chiếc xe… chưa đầy 1,5 triệu đồng. Dù cho biết đây chỉ là giá trị còn lại trên sổ sách sau khi khấu hao xe, nhưng cho đến giờ, Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra số tiền được thu về từ 264 chiếc xe này.

Lý giải về việc giá bán thanh lý xe công ở mức thấp, đại diện Bộ Tài chính cho rằng là do các xe này được sản xuất từ lâu. Tuy nhiên, câu trả lời này vẫn chưa thỏa mãn những thắc mắc của dư luận. Bởi vì dù các cơ quan, đơn vị đã và đang thanh lý tới trên 3.000 chiếc xe công trong vòng hơn 1 năm nhưng nếu người dân muốn tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thông báo bán đấu giá xe công thì hầu như không có. 

Trong khi đó, theo luật, việc bán thanh lý xe ô tô thực hiện theo hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Trước khi bán thanh lý tài sản, phải xác định lại giá trị thật của tài sản theo thị trường và khi bán phải thực hiện đấu giá công khai. Vậy thực sự, các đơn vị thanh lý xe thời gian qua có được thực hiện đúng quy trình?

Thậm chí, nếu đúng quy trình đi nữa thì việc thanh lý tài sản công liệu có sự lách luật để tư lợi? Bởi vì, theo Luật Đấu giá tài sản, nếu tài sản được định giá dưới 50 triệu đồng thì thông tin đấu giá không bắt buộc phải công khai trên báo giấy, truyền hình hay trang tin điện tử. Thế nên dư luận mới đặt câu hỏi liệu hội đồng đấu giá có cố tình đưa ra mức giá các xe công này dưới 50 triệu để không phải công bố thông tin?

Tất nhiên, đây mới chỉ là những nghi vấn được dư luận đặt ra và rất cần được xem xét làm rõ để hoạt động thanh lý xe công được công khai, minh bạch. Khoán xe công là một chủ trương đúng đắn, được dư luận ủng hộ, không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn góp phần tạo nên một nền hành chính liêm chính.

Theo thống kê, việc khoán xe công sẽ giúp ngân sách tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Và nếu chủ trương khoán bắt buộc được Thủ tướng thông qua thì trong vòng hơn 1 năm tới, chúng ta sẽ phải thanh lý xấp xỉ chục nghìn xe công. Bởi vậy, nếu việc thanh lý xe công không minh bạch, gây thất thoát tài sản Nhà nước thì rõ ràng chủ trương này sẽ giảm đi phần nào ý nghĩa.