Thành lập cảnh sát du lịch: Chỉ giải quyết phần ngọn

ANTĐ - Trong thời gian gần đây, hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch… có chiều hướng gia tăng. Điều này khiến cho hình ảnh du lịch Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế bị méo mó. Nhiều ý kiến đề xuất cần phải thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch. Tuy nhiên nhìn vào toàn cảnh nền du lịch Việt Nam, nếu thành lập cảnh sát du lịch mới chỉ giải quyết được phần ngọn.

Sẽ làm phức tạp thêm bộ máy

Đứng về phía những người làm du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, khi Cảnh sát du lịch được thành lập, họ sẽ có mặt tại các địa điểm du lịch làm nhiệm vụ bảo vệ du khách. Lực lượng này được trao thẩm quyền để giải quyết nhanh rắc rối khách du lịch gặp phải như: trộm cắp, hàng rong chèo kéo, gian lận… không để khách du lịch mất thời gian phải chờ đợi lâu. Hiện nay, tuy chúng ta đã khai trương các trung tâm hỗ trợ khách du lịch nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại cũng như cung cấp thông tin, tư vấn điểm đến phục vụ khách du lịch. Nhưng trung tâm này mới chỉ dừng ở việc tiếp nhận thông tin chứ chưa thể xử lý ngay các vấn đề nóng như trộm cắp, cướp giật… cho du khách. 

Trước đề xuất phải thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng việc này tuy có thể giảm bớt nạn nhũng nhiễu, trấn lột du khách nhưng sẽ làm phức tạp thêm bộ máy công quyền vốn đã cồng kềnh. Do đó, nếu việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch còn yếu thì phải bổ sung thêm cả về ngân sách lẫn con người chứ không nên lập mới vì sẽ dẫn đến tạo ra rắc rối và quản lý chồng chéo. Hơn nữa, nếu cứ thấy lĩnh vực nào phức tạp lại yêu cầu thành lập lực lượng cảnh sát chuyên trách, như thế bộ máy của lực lượng công an sẽ phình to và chức năng nhiệm vụ bị chia nhỏ lại. Điều này hoàn toàn không phù hợp với chủ trương tinh gọn biên chế đang rất cấp thiết như hiện nay.

Không những thế, một mình lực lượng Cảnh sát du lịch không thể giải quyết được hết những bất cập đã tồn tại bấy lâu nay như việc đeo bám du khách, tình trạng nhà hàng, khách sạn, cho đến taxi, xích lô trấn lột, hét giá trên trời... Để có một môi trường du lịch trong sạch, lành mạnh, an toàn đòi hỏi cần phải giải quyết những yếu kém từ trong nội tại. Đơn cử như ở TP Hội An (Quảng Nam) và ở Đà Nẵng vốn được biết đến với một môi trường du lịch tốt nhất trong cả nước, dù không có cảnh sát du lịch nhưng an ninh xã hội vẫn rất tốt, gần như không có những vấn nạn trên. Còn tại Thái Lan và một số nước khác, tình hình an ninh du lịch tốt hơn hẳn Việt Nam là nhờ những biện pháp đồng bộ và kiên quyết của Nhà nước, nhờ vào thái độ, ý thức trách nhiệm của người dân chứ không hẳn là nhờ Cảnh sát du lịch. 

Phải giải quyết những yếu kém nội tại

Theo nhiều chuyên gia du lịch, các hiện tượng du khách bị bắt chẹt gây mất trật tự như hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ cách làm du lịch nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, để xảy ra các hiện tượng gây phiền nhiễu đến khách du lịch còn là do chính quyền một số địa phương đã buông lỏng quản lý, nhiều cơ quan quản lý chồng chéo nhưng thiếu đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm, thiếu thông tin cảnh báo đến du khách.

Theo ông Phạm Huỳnh Công, nguyên Chánh Thanh tra Tổng Cục Du lịch Việt Nam, những năm qua chúng ta chỉ chú ý đến môi trường tự nhiên mà không quan tâm đúng mức tới môi trường xã hội nhân văn. Những người có trách nhiệm về du lịch ở các địa phương ở trong tình trạng không chuyên nghiệp vì không phải là công việc theo nghề, theo chức danh, lại bị thay đổi thường xuyên. Nhiều cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch chưa có trình độ đại học về du lịch.

Ông Phạm Huỳnh Công cho rằng không cần thiết phải thành lập Cảnh sát du lịch bởi những nguyên nhân dẫn đến môi trường du lịch bị xâm hại thuộc về những yếu kém trong nội tại, do công tác quản lý Nhà nước về du lịch kém hiệu quả. Những vi phạm bề nổi như chèo kéo khách, ô nhiễm môi trường… đã có Cảnh sát trật tự, Cảnh sát môi trường… và chính quyền các cấp, thanh tra, nhân dân… Vấn đề là chúng ta phải phát huy được hiệu quả hoạt động của các lực lượng liên quan nhằm giữ gìn môi trường du lịch. Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược Bộ Công an chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến những tồn tại gây ảnh hưởng xấu tới khách du lịch là do khâu quản lý du lịch còn chưa tốt, người quản lý văn hóa, người đứng đầu địa phương làm chưa hết trách nhiệm, vai trò của mình. Do đó, việc thành lập Cảnh sát du lịch có chăng chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể giải quyết được những bất cập hiện nay. 

Thực tế cho thấy, an ninh du lịch và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch của nước ta không đơn giản là chuyện riêng của lực lượng công an. Có quá nhiều vấn đề khiến chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch Việt Nam không được cải thiện, thậm chí đi xuống, mà quan trọng nhất vẫn là ý thức của người làm du lịch, của người dân và sự kiểm tra giám sát của các cấp chính quyền địa phương. Nếu cho rằng cần lực lượng Cảnh sát du lịch để đảm bảo an toàn cho du khách và ngăn chặn tình trạng chặt chém thì có ai dám chắc hiệu quả sẽ đạt được như mong muốn? 

Trong khi đó, để bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, hiện nay đã có các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra, công an các phường, xã, lực lượng bảo vệ dân phố… tại các địa danh du lịch. Nếu cần thiết sẽ tăng cường triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trung tâm, các khu, điểm du lịch và bố trí tăng cường lực lượng cảnh sát tại các khu, điểm du lịch tập trung đông khách, có nguy cơ xảy ra mất an toàn. Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho du khách, cần được huy động và đề cao. Một vấn đề khác là do chế tài còn chưa nghiêm, việc phát hiện và lập biên bản với các trường hợp người bán hàng rong, chèo kéo du khách, quy định không thể giữ họ quá 12 tiếng và áp dụng mức phạt đụng trần chỉ là 150.000 đồng nên không đủ sức răn đe. Khi bị bắt, lập biên bản chỗ này thì họp sang chỗ khác để bán tiếp. Vì vậy nếu có thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, với chế tài đó thì cũng khó có thể xử phạt nghiêm.

Có thể thấy, quyền lợi của người dân ở các vùng du lịch gắn liền với phát triển kinh tế du lịch. Nếu ngành du lịch biết chia sẻ lợi ích, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, gắn quyền lợi chính đáng của người dân với phát triển du lịch thì tất yếu sẽ giảm bớt được tình trạng những nhiễu đối với khách du lịch. Điều cốt yếu là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong việc giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch và nâng cao công tác giáo dục ý thức của người dân khi tham gia kinh doanh du lịch. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, muốn khắc phục những bất cập của ngành du lịch hiện nay, trước hết phải có một cuộc “giải phẫu” ngành du lịch, thẳng thắn phân tích cái hay, cái dở ở đâu, do nguyên nhân nào và bất cập ở đâu. Từ đó phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để tìm ra biện pháp hay nhất. Nếu công tác quản lý văn hóa, du lịch vẫn như hiện nay thì việc thành lập Cảnh sát du lịch cũng không giải quyết được vấn đề gì.