Thanh khoản vượt trên 2.000 tỉ, thị trường vẫn giảm đỏ

(ANTĐ) - Diễn biến trên sàn Hose và HNX phiên hôm nay 14-6 cho thấy thị trường đã xuất hiện bulltrap, hiện tượng bẫy tăng giá. Một loạt cổ phiếu lớn nhỏ tăng mạnh ở giữa phiên đẩy hai chỉ số lên cao, Vn-index vượt lên trên ngưỡng 452 điểm, còn HNX-index cũng qua mức 82 điểm, tuy nhiên lại quay đầu giảm nhẹ vào cuối phiên.

Thanh khoản vượt trên 2.000 tỉ, thị trường vẫn giảm đỏ

(ANTĐ) - Diễn biến trên sàn Hose và HNX phiên hôm nay 14-6 cho thấy thị trường đã xuất hiện bulltrap, hiện tượng bẫy tăng giá. Một loạt cổ phiếu lớn nhỏ tăng mạnh ở giữa phiên đẩy hai chỉ số lên cao, Vn-index vượt lên trên ngưỡng 452 điểm, còn HNX-index cũng qua mức 82 điểm, tuy nhiên lại quay đầu giảm nhẹ vào cuối phiên.

Bulltrap, một tín hiệu giả cho thấy dường như chứng khoán đang có dấu hiệu đảo chiều, bắt đầu tăng giá (bull) sau một đợt sụt giảm (decline). Nhưng thực tế, chứng khoán lại quay trở lại xu thế giảm sau tín hiệu phục hồi đó. Nó như một cái bẫy (trap) đánh lừa nhà đầu tư mua vào vì họ nghĩ rằng chứng khoán đã đi lên. Bẫy tăng giá thường được một số nhà đầu tư lớn giăng ra khi họ muốn tiếp tục mua cổ phiếu với giá hời hoặc khi họ thực hiện giao dịch bán khống.

Thị trường xuất hiện bẫy tăng giá, bulltrap (Ảnh minh họa)
Thị trường xuất hiện bẫy tăng giá, bulltrap (Ảnh minh họa)

Bulltrap xuất hiện ở giữa phiên đẩy một loạt các mã lớn nhỏ giao dịch trên thị trường tăng mạnh, lúc này, các mã chủ lực của sàn Hose như BVH, MSN, VIC, VNM, VPL… theo đó cũng tăng lên khá mạnh. Tuy nhiên, về cuối phiên, chỉ còn VIC, VNM, VPL duy trì được mức tăng ổn định, với sức tăng mạnh của VIC lên mức trần với 123.000 đồng/cổ phiếu. Hai mã nỗ lực tăng mạnh trước đó là BVH và MSN lại quay đầu giảm giá, BVH gần về mức giá sàn trong khi MSN giảm tới 2.000 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm các mã vốn hóa lớn, số lượng mã tăng và giảm gần như ở mức cân bằng khi các mã DPM, SSI, PVD, VCB rơi vào mức suy giảm nhẹ, giảm từ 200 đồng – 1.200 đồng/cổ phiếu. Còn các mã CTG, HAG, PVF, EIB… lại đứng ở mức giá tham chiếu hoặc ở mức tăng nhẹ. Ngoài EIB, STB, QCG dư mua với khối lượng khá lớn, các mã khác khối lượng dư mua giảm nhẹ. Ngược lại với bên dư mua, phía bên dư bán hôm nay, khối lượng lại tăng đáng kể. Trong đó, khối lượng dư bán của BVH tăng gấp đôi so với phiên trước với 0,1 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Về phía giao dịch thỏa thuận, mã FPT tiếp tục thỏa thuận bán 1 triệu cổ phiếu với mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra khá tích cực với cổ phiếu KSA của CTCP Khoáng sản Bình Thuận Hamico với gần 1,8 triệu cổ phiếu. Ngoài ra không có thỏa thuận nào được thực hiện với khối lượng đột biến như phiên trước đó.

Sự sụt giảm của chỉ số về cuối phiên khiến cho số mã tăng giá trị tại phiên này chỉ còn 126 mã, số mã tăng tiếp tục giảm so với các phiên trước, trong khi số mã giảm lên tới  gần 100 mã với sự góp mặt của một số mã bluechip và midcap như BVH, MSN, PAC, NKD, LHG, PVD, SFC… và 58 mã đứng giá tham chiếu. Vn-index nhùng nhằng về cuối phiên và kết thúc lại mất đi 1,15 điểm tương đương với 0,26% về mức 441,54 điểm.

Hiện tượng bulltrap ở giữa phiên, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, đưa mức thanh khoản toàn phiên tăng vọt lên gần 1.059 tỉ đồng tương đương với 61,9 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Khối lượng các mã giao dịch đều tăng mạnh. Giao dịch tích cực nhất vẫn là SSI với gần 4,9 triệu cổ phiếu, dẫn đầu thị trường về khả năng thanh khoản. Tiếp đó là STB với 2,1 triệu cổ phiếu, REE với xấp xỉ 2 triệu cổ phiếu. Hai mã SAM và ITC gần đạt 1,9 triệu cổ phiếu. Trong nhóm này, 3/5 mã rơi vào mức suy giảm với mức giảm từ 100 đồng – 700 đồng/cổ phiếu. Hai mã còn lại là STB và SAM tăng lần lượt là 100 đồng và 500 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với bẫy tăng giá
Nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với bẫy tăng giá

Kịch bản trên tái diễn trên sàn HNX, tuy nhiên, tại sàn này, các mã chủ lực hầu hết đều suy giảm hoặc đứng ở mức tham chiếu, thậm chí PVX còn rơi xuống mức giá sàn sau khi giảm tới 900 đồng/cổ phiếu. Duy nhất có mã HBB tăng nhưng cũng chỉ tăng với mức 100 đồng/cổ phiếu.

Dòng tiền đổ về mạnh, khối ngoại tham gia tích cực vào hoạt động mua bán trên thị trường với giá trị khá lớn. Tuy nhiên, mức ưu tiên của khối ngoại lại tập trung ở các mã cổ phiếu có giá trị thấp hơn như PFL, PSG, SHN, PVS trong khi bán mạnh với các cổ phiếu vốn hóa lớn như KLS, PVX, VND, SHB, VCG.

Sự suy giảm về cuối phiên khiến cho sàn HNX để tuột mất mốc 80 điểm, dừng lại ở 79,51 điểm sau khi để mất tới 1,36 điểm tương đương với 1,68% giá trị điểm số. Khối lượng các mã giao dịch tăng vọt đưa tổng khối lượng giao dịch trong phiên lên tới 83,5 triệu cổ phiếu tương đương với 1.041,5 tỉ đồng.

Bị khối ngoại bán khá mạnh, các nhà đầu tư trong nước cũng tiến hành bán mạnh với cổ phiếu KLS, khối lượng cổ phiếu giao dịch toàn phiên của KLS vọt lên tới 9,6 triệu cổ phiếu, trở thành mã giao dịch tích cực nhất và là mã dẫn đầu thị trường về mức thanh khoản. Cũng như KLS, khối lượng của PVX cũng tăng lên mức 6,1 triệu cổ phiếu và VND với 5,5 triệu cổ phiếu. Hai mã còn lại trong nhóm là SHN và SCR lần lượt đạt 3,9 và 3,6 triệu cổ phiếu.

Bùi Tuyết