Nhạc sĩ Đức Trí:

Thành công nhờ biết cộng hưởng

ANTĐ - Công sức của Đức Trí đóng góp cho sự thành danh, thành công của Hà Hồ không cần phải bàn cãi, nhưng anh hiểu điều đó không có nghĩa là anh có quyền năng của một phù thủy để vù một cái có thể nặn một ma-nơ-canh thành nghệ sĩ hàng đầu  Việt Nam được.

­Có đam mê mới thành công

Bằng chính trải nghiệm bản thân, nhạc sĩ Đức Trí luôn tin rằng đam mê quyết định tất cả. Phát hiện con mình có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, cha mẹ anh cho anh theo học đàn. Không hiểu sao, càng học càng dở, các bản nhạc cổ điển trong chương trình hầu như anh… không đánh được nên anh quay sang đam mê  nghe nhạc, sưu tầm băng đĩa và  tham gia ban nhạc. Đến hết lớp 12, như cái duyên tình cờ, Đức Trí lại thi vào trường nhạc. Lúc đó anh mới chăm chú học lại những bản nhạc kinh điển. Chính vì thế, vốn âm nhạc mà chàng nhạc sĩ này có được hóa ra đã tích lũy  từ môi trường sống bên ngoài và sau đó được phân tích thêm bằng những kiến thức học trong trường lớp. Căn cứ vào kinh nghiệm của mình, hễ ai hỏi, Đức Trí đều bảo, nếu ai đó đi từ đam mê đến học thuật thì anh tin rằng, đam mê sẽ quyết định sự thành công hơn là tài năng. “Tất nhiên, tài năng là điều kiện thuận lợi cho người ta đi đến thành công, nhưng có khi nó chỉ đóng góp thấp hơn 50%. Đam mê sẽ giúp người ta phát triển tài năng nhiều hơn, với riêng tôi, đam mê chiếm đến 70%”, Đức Trí giải thích.

Ngày còn trẻ, Đức Trí mê nhạc đến nỗi, tất cả những thứ xung quanh anh đều liên quan đến nhạc, những đồng tiền anh làm ra cũng chỉ tốn cho nhạc. Từ những năm 1996-1997 mỗi khi có dịp đi diễn ở châu Âu, anh thường “ôm” về cả đống sách và đĩa nhạc. 

Thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có nhiều người dùng internet. Để tiếp cận được với công nghệ thông tin phục vụ  âm nhạc, anh đã học một lớp về lập trình mạng, internet ở Đại học Sư phạm. Đức Trí quan niệm, sống phải có khát khao, đam mê một cái gì đó chứ đừng đợi người ta có rồi mình mới làm. 

“Tôi không phải là phù thủy”

Công sức của Đức Trí đóng góp cho sự thành danh, thành công của nhiều ca sĩ  cho đến nay là điều không ai có thể bàn cãi. Nhưng với anh, điều đó cũng không có nghĩa, anh có quyền năng của một phù thủy, qua câu niệm chú, biến một ma-nơ-canh thành một nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Mối quan hệ giữa ca sĩ - nhạc sĩ là quan hệ cộng hưởng, tức là 1+1 cho kết quả nhiều hơn 2. “Vậy nên, gặp một nhà sản xuất khác họ cũng có thể thành công nhưng chưa chắc nó giống với thành công ngày hôm nay bởi sự cộng hưởng khác nhau. Nếu không có sự cộng hưởng sẽ dễ thất bại” - Đức Trí chia sẻ.

Từng cộng tác với nhiều ca sĩ nữ nhưng anh thấy chưa lần nào mang lại sự thành công nhiều như với Hồ Ngọc Hà, bởi họ không có được sự khéo léo như ở cô. Đức Trí cho biết: “Thực tế, đôi lúc làm việc trong âm nhạc, tính nghệ sĩ của tôi hiện lên rõ nhất - không có quan niệm về thời gian trong đầu, không “chơi” với đồng hồ. Những người như vậy cần một trợ lý để quán xuyến công việc. Trong lúc tôi chưa có được người như thế thì Hà đã “lấp chỗ trống” ấy rất tốt. Ở Hà có một vỏ lý trí bên ngoài điều khiển lớp cảm xúc bên trong mà ít người có được”.

Đức Trí khá  kín tiếng về chuyện riêng tư và thường tỏ vẻ không hài lòng khi ai đó đặt câu hỏi liên quan. Nhưng trước câu hỏi rằng sao anh làm việc, quen nhiều cô đẹp mà vợ anh không đẹp như thế, Đức Trí cười, trả lời: “Đầu tiên, tôi không bình luận về câu hỏi này đúng hay sai, nhưng rõ ràng, đã là nghệ sĩ thì ai cũng mê cái đẹp vì nó mang lại cho người ta cảm xúc. Nếu cái đẹp đó tôn lên giá trị của người nghệ sĩ thì tại sao lại không? Và cái đẹp thì cảm nhận của mỗi người mỗi khác, có người thấy cái cũ kỹ, đơn giản là đẹp, có người thấy màu mè, cầu kỳ mới đẹp. Tất nhiên, đừng để cái đẹp đó làm mất đi giá trị của người nghệ sĩ, đừng vì cái đó mà đánh đổi giá trị của bản thân”. Đức Trí bảo rằng, trong nhà anh “không cần thêm một nghệ sĩ nữa”, nên điều anh thích nhất ở bà xã là sự khác nhau bởi anh nghĩ “điều đó tạo nên sự cộng hưởng”.