Thắng - thua cũng chỉ là vô thường

ANTD.VN - Nhan Uyên là học trò vừa giỏi vừa có tâm của Khổng Tử. 

Một ngày nọ khi đi ngang qua một  cửa hàng bán vải, thấy có đám đông cãi cọ, Nhan Uyên bèn ghé xem thì thấy người mua hét: “Tám nhân ba là hai ba mà sao ông cứ đòi hai tư đồng thế hả?”, người bán hét to hơn: “Tám nhân ba là hai tư đồng, ông phải trả hai tư đồng”. Nhan Uyên đến trước mặt người mua nhẹ nhàng nói: “Tám nhân ba là hai tư, ông phải trả người ta hai tư đồng là đúng rồi, đừng hét ầm lên thế nữa”, người đàn ông mua hàng đỏ mặt tía tai quát vào mặt Nhan Uyên: “Ai khiến nhà ngươi xen vào, ta phải đi tìm Khổng Tử để nhờ ông ấy phân xử mới xong vụ này”.

Nhan Uyên nghe mà tức, bèn nói: “Nếu Khổng Tử phán ông sai thì sao?”, người đàn ông trợn mắt hét: “Thì lấy đầu ta, thế còn nhà ngươi sai thì sao?”, Nhan Uyên đáp ngay: “Ta từ quan về quê”. Hai người kéo nhau tới gặp Khổng Tử, Khổng Tử sau khi nghe đầu đuôi thì nói : “Tám nhân ba là hai ba, Nhan Uyên, con thua rồi, mai từ quan đi”. Nhan Uyên ấm ức nhưng vâng lời thầy, người đàn ông kia cười ha hả ra về.

Nhan Uyên trong lòng ấm ức, nghĩ Khổng Tử sao lại giải quyết hồ đồ như vậy, bèn xin Khổng Tử nghỉ học đạo về quê nhà ít hôm để giải quyết việc nhà, thực ra là để cho khuây khỏa. Khổng Tử biết rõ tâm tư của học trò, gật đầu đồng ý, trước khi Nhan Uyên đi, Khổng Tử chỉ nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”. Nhan Uyên chào từ biệt rồi lên đường.

Khi đi đến giữa đường thì trời mưa giông, sấm chớp ngang dọc. Nhìn thấy một cây cổ thụ to bên đường, Nhan Uyên bèn chạy tới để trú nhưng bỗng nhớ lời thầy dặn nên quay lại, vừa quay đi thì cây cổ thụ bị sét đánh trúng, xé toạc thân cây, khiến Nhan Uyên kinh ngạc. Về đến nhà thì đã nửa đêm, vì sợ người nhà thức giấc nên Nhan Uyên đi thật nhẹ vào nhà, đẩy cửa phòng ngủ. Thấy có người đắp chăn nằm cạnh vợ mình, tức giận, Nhan Uyên rút kiếm ra toan chém nhưng lại nhớ lời thầy dặn nên kiềm chế, thắp đèn lên xem kỹ, hóa ra là em gái mình ngủ cùng vợ.

Toát mồ hôi vì suýt nữa đã giết vợ và em gái, Nhan Uyên khóc ròng vì biết ơn Khổng Tử, ở lại nhà có một ngày, hôm sau lập tức quay lại trường. Nhìn thấy Khổng Tử, Nhan Uyên đã lập tức quỳ xuống nói: “Thưa thầy, người đã cứu sống cả ba người nhà con, sao người biết trước được sẽ như vậy?”. Khổng Tử trả lời: “Ngày hôm đó thời tiết oi bức, ta đoán chiều tối sẽ có mưa giông, nên ta nhắc con không trú nơi cổ thụ, con về nhà trong khi có nỗi bực trong lòng, lại mang theo kiếm nên ta nhắc con phải suy xét trước khi hành động, vậy thôi”.

Nhan Uyên bái thầy mấy lạy, luôn miệng nói cảm ơn, Khổng Tử đỡ học trò ngồi dậy rồi nhẹ nhàng bảo: “Ta biết con xin về nhà chỉ là mượn cớ, chẳng qua là trong lòng không phục vụ ta phán xử kẻ mua vải hôm đó. Con thử nghĩ mà xem, ta nói tám nhân ba bằng hai ba thì con chỉ mất có cái chức quan, còn ta nếu ta nói tám nhân ba bằng hai tư thì mất cả một mạng người. Một mạng người với một chức quan, thứ gì quan trọng hơn?, vả lại những điều đã là chân lý thì đâu cần phải mang ra cãi cọ và với những loại người như  thế đâu đáng để cự cãi làm gì?”. Nhan Uyên nghe thầy phân tích xong thì trăm lần bái phục.

Khi phải đứng trước những lựa chọn quan trọng, hãy biết như Khổng Tử, bằng sự tỉnh táo và tấm lòng đại nhẫn để biết phải làm gì cho yên ổn tất thảy bởi người thắng đôi khi lại mất cả, lùi một chút là xong.