Sự cố thang máy nhà chung cư (1)

Thang máy bỗng nhiên “rơi tự do”

ANTĐ - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đô thị, các khối nhà chung cư được coi là phân khúc hấp dẫn và là lựa chọn của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, sự cố mất điện trong thang máy gây chết người xảy ra mới đây tại chung cư CT3 Constrexim - Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy mới đây đã khiến không ít người lo ngại về chất lượng thang máy trong các tòa nhà cao tầng...

Thang máy tại tòa nhà CT3 Yên Hòa, Cầu Giấy - nơi xảy ra tai nạn


Hiện đại quá hóa… nguy hiểm

Chiều 21-9, tại chung cư CT3 Constrexim - Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã xảy ra vụ tai nạn thang máy khiến ông Nguyễn Văn Hòa, ở quận Tây Hồ chết tại chỗ. Theo điều tra ban đầu, vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông Hòa ở trong thang máy, đang vận hành đến lưng chừng tầng 4 thì đột ngột dừng do mất điện. Ngay lúc đó, ông Hòa phát tín hiệu cứu hộ và nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài. Khi bảo vệ tòa nhà đến phát hiện thang máy đang bị treo lơ lửng giữa tầng 4 và tầng 5. Mọi người cậy cửa để đưa ông Hòa ra ngoài. Ông Hòa chui ra ngoài, định nhảy xuống sàn nhà tầng 4 thì không may bị trượt chân, rơi xuống hầm thang máy và tử vong.

 Thực tế, những sự cố từ thang máy không còn hiếm và đây không phải là vụ tai nạn thang máy đầu tiên xảy ra tại các khu chung cư cao tầng. Trước đó, tháng 6-2010, một giám đốc ngân hàng tại Khánh Hòa cũng tử vong vì sự cố thang máy. Nguyên nhân là do thang máy lên đến nơi không dừng lại mà vẫn tiếp tục đi lên rồi đột ngột đi xuống, khiến vị giám đốc này hoảng hốt lao ra khỏi cửa thang máy, ngã và bị trần thang máy ép vào tường, gây chấn thương nặng dẫn đến tử vong.

Tháng 10-2010, tại một công trường xây dựng ở quận Đống Đa - Hà Nội đã xảy ra vụ việc thang máy chở công nhân bất ngờ đứt cáp khi lên đến tầng 6. Hậu quả, 2 công nhân bị thương nặng, 1 người bị chết. Cách đây không lâu, một tai nạn chết người do thang máy đã xảy ra tại quận 10 - TP Hồ Chí Minh. Nạn nhân là anh Nguyễn Hải Đăng, ở Tây Ninh. Trong lúc anh Đăng bảo trì thang máy cho quán karaoke trên đường Tô Hiến Thành thì đột nhiên chiếc thang máy rơi tự do từ trên cao xuống tiện đứt đầu nạn nhân. Trước đó, vào ngày 5-6, hơn 20 du khách tham quan ở khu du lịch Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng cũng bị một phen hú vía khi bất ngờ  mắc kẹt trong cabin thang máy.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều nhà cao tầng hiện nay, thang máy đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân. Tại khu tái định cư Nam Trung Yên, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, phần lớn hệ thống thang máy vận hành bên trong toà nhà luôn trong tình trạng xuống cấp. Bà Phạm Thị Thục - Tổ trưởng tổ 62, khu nhà B11A Nam Trung Yên lo lắng: “Khu nhà chúng tôi đang sinh sống có hơn 400 nhân khẩu, có 2 thang máy phục vụ việc đi lại nhưng luôn trong tình trạng “phập phù”. Việc đột ngột bị nhốt trong thang máy, các nút bấm hiển thị tầng và nút cấp cứu khi xảy ra tình trạng nguy cấp bị tê liệt là chuyện thường. Đã vậy, mỗi khi thang máy chạy kêu như cối xay lúa, khiến cả toà nhà rung lên bần bật. Nhiều lần, người dân đã bị kẹt trong tháng máy hàng giờ đồng hồ”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số khu đô thị khác như khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính.

Tìm phương án an toàn

Điều đáng nói, sau sự cố tại chung cư CT3 Constrexim gây chết người, không ít gia đình ở tỉnh khác đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô đã tính đổi hướng sang thuê nhà trọ lâu dài, thay vì cố tìm mua chung cư. Thuê nhà ở quận Long Biên đã 10 năm nay, hai vợ chồng chị Hoàng Bích Thuỷ, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc để dành được khoản tiền kha khá và đang dự định mua một căn hộ tái định cư. Tuy nhiên, sau khi nghe tin về các sự cố thang máy, chị Ngân chia sẻ: "Hiện nhiều khu chung cư chất lượng không đảm bảo, hệ thống thang máy thiết kế không đúng kỹ thuật nên vợ chồng tôi đang tính đến phương án thuê nhà trọ lâu dài, khi đủ tiền sẽ mua một ngôi nhà nhỏ, không cần mặt đường, trong ngõ sâu cũng được, miễn là không ở nhà cao tầng…". Tại không ít toà nhà văn phòng, chuyện mất điện, kẹt trong thang máy, hay thang máy tự nhiên đóng, mở dù không ai điều khiển là chuyện thường tình. "Chất lượng thang máy không đảm bảo nên cơ quan tôi đang kiếm tòa nhà khác để thuê", chị Thu Hà, đang làm việc tại một toà nhà văn phòng ở quận Đống Đa lo lắng.

Trên nhiều trang web cư dân mạng thả sức bình luận. Tại nhiều diễn đàn, chủ đề: "Thiết kế thang máy ở tòa nhà CT3 Yên Hòa - Cầu Giấy" được nhiều thành viên chia sẻ và hưởng ứng. Một thành viên có tên bibop trên webtretho hài hước: "Nhà em ở tận tầng 17, từ khi nghe tin có người chết vì đi thang máy, em đâm ra hoảng. Em đang tính tập thể dục, đi thang bộ thôi…". Bên cạnh đó, không ít ý kiến còn phân tích sâu về sự cố thang máy trên. Một thành viên giải thích, quy phạm thiết kế chống cháy nổ yêu cầu thang máy khi gặp sự cố thì phải có nguồn điện dự phòng. Thang máy đạt chuẩn nếu đột ngột mất điện phải di chuyển lên hoặc xuống tầng gần nhất, không thể có chuyện lửng lơ để người bước ra, rơi xuống thiệt mạng như vậy. Trong khi đó, nhiều thành viên còn nghi ngờ về chất lượng của thang máy tòa nhà CT3. Có người chưa hiểu cho rằng thang đã "rơi tự do" dẫn đến chết người.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Công ty TNHH Luật S&B cho biết: “Sự cố xảy ra tại chung cư CT3 Constrexim dẫn đến chết người đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp này, cần xác định lỗi thuộc về bên nào, từ đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về đơn vị gây ra lỗi trực tiếp hay gián tiếp. Nếu tai nạn xảy ra mà lỗi thuộc về nhiều bên, thì các bên có liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới. Để xác định rõ nguyên nhân tai nạn và lỗi của các bên có liên quan, cần được các cơ quan chức năng xác minh, điều tra cụ thể. Đây sẽ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị nạn”…

 Làm gì khi thang máy gặp sự cố?

Ông Trần Đình Toàn - kỹ sư chế tạo máy đưa ra một số lời khuyên trong trường hợp gặp sự cố trong thang máy:

- Khi gặp sự cố trong thang máy, mọi người cần giữ bình tĩnh. Cố gắng loại khỏi đầu những suy diễn, lo lắng, giữ bình tĩnh và đợi cho tới khi thang máy bắt đầu hoạt động trở lại.

- Khi thang máy dừng lại, không cần thiết phải bấm các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy kêu cứu ngay.
- Nếu điện thoại khẩn cấp của thang máy không hoạt động, hãy sử dụng điện thoại di động của bạn hay của một ai đó để gọi đến các số điện thoại khẩn cấp. Nếu không có tác dụng, hãy gây sự chú ý cho những người bên ngoài bằng cách đập vào cửa thang máy và la to.

- Nên thư giãn bằng cách viết, đọc, hát, chơi game trên điện thoại di động hoặc làm bất cứ thứ gì để giữ bình tĩnh trong khi chờ đợi sự trợ giúp.

(Còn nữa)