Tháng "cô hồn": Kinh doanh ngưng trệ, cung văn, thầy cúng đắt "sô"

ANTD.VN - Trong khi việc buôn bán, kinh doanh bị ngưng trệ do kiêng cữ làm ăn trong tháng "cô hồn” thì các hoạt động mang màu sắc tâm linh lại đua nhau “khởi sắc”. Những năm gần đây, mỗi dịp rằm tháng 7 người dân lại lãng phí những khoản tiền lớn bởi quan niệm có thờ có thiêng…

“Lạm phát” lễ bái ngày rằm tháng 7

Theo quan niệm dân gian, cứ đến dịp rằm tháng 7 âm lịch hàng năm thì nhà nhà, người người lại nô nức mua đồ hàng mã như quần áo, voi ngựa, tiền vàng, lễ vật để cúng lễ nhằm siêu thoát cho những vong hồn lang bạt. Bởi quan niệm ấy mà hàng loạt dịch vụ ăn theo cũng được dịp vào mùa.

Dạo một vòng quanh các đền, phủ ở Lào Cai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… có thể dễ dàng bắt gặp từng đoàn thanh đồng hay những người được coi là “có căn quả” đang ngược xuôi xếp hàng vào “trình đồng, mở phủ”. Và hộ tống bên cạnh là các cung văn (người làm nghề hát văn) với lỉnh kỉnh đàn, sáo, nhị. 

Lê Văn Tiến quê ở làng Yên Trung, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có thâm niên 10 năm theo nghiệp “phục vụ thánh thần”. Kể từ khi hết rằm tháng Giêng, các cung văn chơi dài thì đến đầu tháng 7 âm lịch họ lại làm không hết việc.

Tiến cho biết: “Cung văn là một nghề đặc biệt và không phải ai cũng theo được nếu như “bề trên” không cho ăn lộc. Ngoài giọng hát hay, chơi được nhạc cụ dân tộc thì cũng phải có duyên. Nhiều hôm, anh em chúng tôi phải hát từ sáng sớm tới tối mịt và phải thuê phòng trọ ngủ lại đền để sáng hôm sau tiếp tục phục vụ buổi hầu đồng mới. Sau mấy khóa hầu thì giọng ai nấy đều khản đặc. Bù lại thu nhập cũng được vài chục triệu mỗi tháng, đó là chưa kể tiền “lộc” sau mỗi giá hầu”.

Dĩ nhiên, vào những dịp cao điểm như rằm tháng 7 thì thanh đồng phải bao cung văn toàn bộ chi phí tàu xe, ăn ở. Thậm chí mời “gãy lưỡi” thì họ mới “xa giá tháp tùng”, bởi đây là lúc cung văn “cháy sô”. Chẳng thế mà ở quê Tiến bây giờ cả làng thi nhau đi học hát văn do nghề này… kiếm tiền dễ quá. “Mưa không đến mặt nắng không đến đầu, miễn là còn có người thuê thì bọn em vẫn còn sống khỏe. Ở làng em, nhà nào xây được 3-4 tầng thì đều từ đi hát văn mà ra cả”, Tiến nói.

Cũng “chạy sô bạc mặt” như cung văn là đội ngũ các thầy cúng. Trước đây, thường các gia đình hay thuê thầy về làm lễ dịp rằm tháng Giêng, thế nhưng thói đời “phú quý sinh lễ nghĩa”, bây giờ các gia đình thuê cả thầy về cúng vào rằm tháng 7, nhất là với giới làm ăn thì việc cúng bái lại càng được chú trọng. 

Trong mắt dân buôn ở chợ Đồng Xuân thì thầy Nguyễn Đức T ở Cẩm Phả, Quảng Ninh là người “cao tay”. Để mời được thầy về tận nhà làm lễ thì phải đặt lịch trước cả tháng trời. Vì uy tín nên thầy cũng khá “sang chảnh” nếu như gia chủ không có xe đưa rước tận nơi.

Thậm chí, chỉ cần có lời nói, hay hành động nào đó khiến thầy phật ý thì buổi lễ dù được chuẩn bị công phu đến mấy cũng bị thầy hủy bỏ.

“Trần sao âm vậy. Tôi đi làm lễ thì không thể đại khái qua loa được. Muốn thỉnh tôi thì lễ lạt phải sắm đúng như tôi dặn. Sơ sảy ra, phật thánh quở phạt cho các vị làm ăn lụn bại rồi quay sang đổ thừa cho thầy làm lễ không tận tâm là không được. Bây giờ ngoài kia có cả trăm người biết cúng, nhưng tại sao ai cũng chỉ muốn tôi về làm lễ. Tâm linh là việc quan trọng, vớ phải thầy chẳng ra gì thì bấy giờ mới biết tôi nói đúng” - thầy T nói.

Một buổi lễ của thầy T, gia chủ thường tốn tới cả chục triệu đồng từ vàng mã tới đồ lễ. Nhưng thầy cũng chỉ cúng trong độ 2 tiếng đồng hồ bởi “thầy bận lắm, xong ở đây thầy còn đi làm lễ cho nhiều nhà khác nữa”. Xong mỗi buổi lễ, chủ nhà thường biếu phong bao từ 3-5 triệu đồng thì trung bình thầy T kiếm vài chục triệu/ngày.

Hiểu đúng về rằm tháng 7

Theo ông Nguyễn Tuấn Phan - Phó Giám đốc Trung tâm Unesco (Liên hiệp các hội khoa học Unesco Việt Nam) thì lễ Vu Lan là ngày lễ chính của Phật giáo có liên quan tới tích Mục Liên xuống địa ngục cứu mẹ thoát khỏi nạn ngạ quỷ nơi ngục A Tỳ. Theo đó, đúng vào dịp rằm tháng 7, Mục Liên sắm các đồ lễ như chăn màn, giường chiếu, gối áo… để dâng các chư tăng và lập trai đàn cầu nguyện.

Trước khi thọ thực, các chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho mẹ ông thoát kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành. Đây được coi là hành động báo hiếu bậc sinh thành đã khuất của con cái, nó cũng tương đồng với văn hóa của người Việt trong thờ cúng tổ tiên.

Hiện nay nhiều người vẫn nhầm lẫn lễ Vu Lan với lễ cúng cô hồn, bởi cả hai đều diễn ra trong tháng 7. Lễ cúng cô hồn bắt nguồn từ chuyện Phật A Nan Đà được quỷ đói báo cho biết 3 ngày nữa sẽ qua đời và hóa quỷ. Cách duy nhất để cứu ngài là cúng cho quỷ thức ăn.

Phật A Nan Đà đã sắm quần áo, tiền vàng, cháo trắng, gạo muối… cúng cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa và thoát nạn. Tựu trung, cả hai câu chuyện đều hướng con người tới làm điều thiện và không hề cổ vũ hay khuyến khích các việc cúng bãi, lễ lạt linh đình. 

Hiện nay, các hoạt động mang tính văn hóa tín ngưỡng này đang bị hiểu sai và có nhiều biến tướng gây lãng phí cho xã hội. Đó là chưa kể nhiều hình thức mê tín dị đoan cũng vì thế mà ăn theo khiến nhiều gia đình liêu xiêu vì tốn kém.