Tháng 11/2020: Hàng loạt chính sách quan trọng đối với công chức, viên chức có hiệu lực thi hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quy định rõ biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở, mỗi phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện bình quân có 2 phó phòng…là những quy định quan trọng nổi bật có hiệu lực thi hành từ tháng 11 tới.

Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nêu rõ 2 căn cứ xác định vị trí việc của viên chức, gồm: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, Nghị định 106 cũng bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức từ 15/11/2020, đó là: Phân loại theo khối lượng công việc (vị trí việc làm do một người đảm nhận; Do nhiều người đảm nhận; Vị trí việc làm kiêm nhiệm); Phân loại theo tính chất, nội dung công việc (vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ).

Trong khi đó, theo quy định hiện hành chỉ phân theo khối lượng công việc (do một người đảm nhận,do nhiều người đảm nhận hoặc kiêm nhiệm). Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2020, thay thế Nghị định 41/2012/NĐ-CP.

Tháng 11/2020: Hàng loạt chính sách quan trọng đối với công chức, viên chức có hiệu lực thi hành (ảnh minh họa)

Tháng 11/2020: Hàng loạt chính sách quan trọng đối với công chức, viên chức có hiệu lực thi hành (ảnh minh họa)

Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó, có quy định biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở.

Theo đó, tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở gồm: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí: Tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của Hà Nội và TP.HCM; Tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; Tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Bên cạnh đó, Nghị định 107/2020 cũng quy định tiêu chí thành lập văn phòng, chi cục, phòng thuộc chi cục thuộc sở.

Theo đó, từ 25/11, tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở được áp dụng theo tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

Tiêu chí thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở bao gồm: Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.

Tiêu chí thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở gồm: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.

Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có hiệu lực thi hành từ 25/11.

Nghị định quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Cụ thể, bình quân mỗi phòng có 2 Phó Trưởng phòng.

Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

Cũng theo Nghị định 108/2020, các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận 34-KL/TW ngày 07/8/2018 tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.