"Thần y" và phương thuốc từ thảo mộc cứu chữa dân nghèo

ANTĐ - Với những bài thuốc cha ông truyền lại, người chiến sĩ - y tá La Chí Thái (SN 1937 ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên) đã cứu sống rất nhiều đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ. Sau giải phóng, khát vọng chữa bệnh cho đồng bào trên quê hương khiến chàng bộ đội nguyện về núi rừng ẩn cư, chuyên tâm nghề thuốc. Với những bài thuốc đặc trị bệnh nan y, gần 40 năm qua già Thái được biết đến như một “ông bụt” của những bệnh nhân nghèo khó.

Thuốc được già Thái phơi ngoài sân

“Thần y” ở ẩn

Không khó để nhận ra nhà già Thái bởi những thứ rễ cây, nong thuốc phơi trước sân ngôi nhà sàn nơi cuối làng. Đã qua tuổi thất thập, già Thái mái đầu bạc trắng nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn. Cần mẫn dạt rễ cây thuốc, già Thái bảo đang mùa nắng nên phải dạt rễ phơi khô để mùa mưa có thuốc cho người bệnh. Làng Xí Thoại nằm giữa vùng rừng núi giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên, ngày đồng bào Ba Na, Chăm Hroi đặt chân đến nơi đây còn là chốn rừng thiêng nước độc, đồng bào phải dùng cỏ núi, cây rừng làm thuốc chữa bệnh. Đến bây giờ dù y tế phát triển nhưng điều kiện đi lại khó khăn và cuộc sống người dân còn nghèo nên đồng bào vẫn sử dụng các bài thuốc Nam mỗi khi đau ốm.

Từ thuở nhỏ cậu bé La Chí Thái đã theo cha ông lên rừng hái thuốc chữa bệnh và học được nhiều bài thuốc quý. Năm 23 tuổi, chàng trai tham gia kháng chiến chống Mỹ và chứng kiến đồng đội mắc các bệnh sốt rét, viêm nhiễm... Trong cảnh thiếu thốn, người chiến sĩ sử dụng những bài thuốc từ cây rừng cha ông truyền lại để cứu chữa các chiến sĩ. Năm 1965, chiến tranh ác liệt, bộ đội ta gặp nhiều thương tích, điều kiện y tế thiếu thốn, chiến sĩ Thái được điều chuyển về làm y tá tại nhà thương Trúc Bạch (Bệnh viện tỉnh Phú Yên). Lúc bấy giờ thuốc Tây quá hiếm, y tá Thái đã vận dụng những bài thuốc gia truyền kết hợp với thuốc Tây chữa khỏi bệnh cho rất nhiều chiến sĩ.

Gần 10 năm gắn bó tại nhà thương nhưng sau giải phóng, già Thái xin phép về lại buôn làng. Ngày ông về, làng Xí Thoại mọi thứ đều tan hoang, tiêu điều vì bị bom đạn cày phá. Đường sá cách trở, cuộc sống đói kém, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người chết vì bệnh tật. Già Thái lại phải tất bật lên rừng tìm thuốc về chữa trị cho mọi người, dân làng vì thế mà qua được nạn dịch. Cũng từ ngày đó, đồng bào Ba Na, Chăm Hroi bị đau bệnh không còn cúng bái mà tìm đến già Thái để ông phát thuốc. Tài năng và lòng thương người khiến tên tuổi già Thái vang xa khắp nơi. Nhiều người ngưỡng mộ gọi ông là “thần y” nhưng người thầy thuốc không lấy đó làm đắc ý mà càng quyết tâm nâng cao tay nghề. Từ những cây cỏ trên rừng, ông mày mò với hy vọng tìm phương thuốc khắc chế những căn bệnh nan y. Già Thái tâm sự: “Nhiều bệnh nhân uống thuốc Tây không bớt mà uống thuốc của tôi thì lại khỏi nên họ gọi tôi là “thần y”, nhưng tôi chỉ cứu người theo hết khả năng thôi chứ là thần thánh gì. Cả đời làm thuốc, đến tuổi này tôi vẫn ngày ngày mong mỏi tìm được phương thuốc chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư…”.

Dùng cây rừng khắc chế bệnh nan y

Bao năm qua đi, người thầy thuốc đã lên chức ông nhưng vẫn đầy nhiệt huyết với nghề. Hàng tháng già Thái vẫn thường lặn lội lên tận vùng núi giáp ranh tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai để lấy thuốc. “Cây cỏ sau khi lấy về phải dạt nhỏ, phơi khô và chế biến theo công thức gia truyền. Mỗi loại cây chỉ chữa được một hoặc vài loại bệnh nhưng kết hợp chúng lại thì có thể chữa được nhiều bệnh. Những bệnh thông thường thì chỉ cần dùng vài loại thuốc, trong khi những bệnh nan y như tiểu đường, ung thư gan, ung thư dạ dày, thận thì phải dùng đến hơn 10 loại thảo dược kết hợp”, già Thái kể tỉ mỉ. Chỉ vào cuốn sổ ghi tên hàng nghìn người bệnh từ khắp nơi, già Thái cho biết số bệnh nhân mắc chứng viêm gan và suy thận là nhiều nhất. Đa số họ đến đây vì đi xét nghiệm máu biết mình bị bệnh viêm gan, suy thận, uống thuốc Tây dài ngày rồi mà bệnh vẫn không giảm. Khi bệnh nhân đến, ông chỉ nhìn sắc diện, bấm mạch là đã chẩn đoán được bệnh. Dù bất kỳ bệnh nào nhưng miễn là đến sớm thì với những bài thuốc từ hàng trăm loại thảo mộc, già Thái đều có cách chữa trị.

Điểm chung trong các bài thuốc đặc trị các bệnh nan y là dùng tổng hợp nhiều loại rễ cây. Như hai bệnh viêm gan, xơ gan, già Thái phải dùng đến phương thuốc gồm khoảng 20 thứ rễ cây trộn lại. Phương thuốc này có 4 tác dụng vừa bổ sung vừa kiềm chế lẫn nhau. Chúng có tác dụng sổ (chống đầy bụng), cầm (để chống đi đại tiện nhiều lần) lại vừa trị bệnh vừa bồi bổ để giúp gan chóng hồi phục.  “Thông thường viêm gan B mất khoảng 3 tháng để chữa khỏi thì sơ gan mất khoảng 10 tháng uống thuốc. Trong các bệnh về thận có suy thận, viêm cầu thận, sỏi thận. Phương thuốc chữa bệnh về thận thông thường gồm 10 thứ thuốc kết hợp để thực hiện các chức năng: sổ, trị, co bóp thận”, già Thái cho biết. Các bài thuốc trên đều có vị đắng, bệnh nhân được già Thái chỉ dẫn dùng thuốc tùy vào bệnh tình và thể trạng. Thông thường, một thang uống 3 ngày, thuốc được bỏ vào trong ấm, đun sôi. Nước ngày thứ nhất đun sôi 10 phút thì uống được, nước ngày thứ hai đun sôi lại 20 phút và ngày thứ ba đun sôi lại 30 phút. “Thuốc từ cây rừng có nhiều diệu kỳ hơn thuốc Tây ở chỗ nó vừa chữa trị bệnh lại không gây tác dụng phụ. Hơn nữa, thảo mộc có thể vừa điều trị vừa bồi bổ cơ thể giúp người bệnh nhanh hồi phục”, già Thái tâm sự.

Một đời làm phúc cứu người

Làng Xí Thoại giữa rừng núi thâm u nhưng nhiều người vẫn lặn lội tìm đến nhờ già Thái cứu giúp. Ngày cao điểm có đến vài chục người đến đây xin ông phát thuốc. Nhiều bệnh nhân ở xa nghe danh ông nhưng không đến được thì viết thư xin thuốc. Dù là đến nhà hay là viết thư thì già Thái đều tận tình cứu giúp. Đa số người bệnh tìm đến ông có hoàn cảnh khó khăn, nhà nào có điều kiện thì kinh tế cũng khánh kiệt sau thời gian điều trị. Thấu hiểu điều đó nên già Thái không đòi hỏi tiền bạc vật chất, cũng không mong người trả ơn. Để có thể duy trì nghề thuốc, già Thái chỉ nhận của mỗi bệnh nhân ít tiền làm chi phí cho việc tìm và chế thuốc.

Trong cuốn sổ lưu niệm già Thái nâng niu là hàng loạt tên họ, địa chỉ, số điện thoại, bút tích ghi lời cảm ơn của những nhân chứng sống ở khắp các nơi. Những bệnh nhân được già Thái cứu sống thường trở lại hậu tạ, cảm ơn. Già Thái lại vui vẻ trò chuyện và không quên nhắc nhở việc thuốc thang, chăm sóc sức khỏe. Nhìn những người bệnh ngày nào tìm lại được sức khỏe, già Thái lấy đó làm vui và nhắc lòng mình rằng sống đến ngày nào sẽ ra sức cứu người đến ngày đó.  Nói về già Thái, anh Nguyễn Bá Mạnh (38 tuổi, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), người từng đến già Thái xin thuốc cho mẹ tâm sự: “Mẹ tôi trước đây bị viêm gan nhưng không chữa trị kịp thời nên trầm trọng thành xơ gan. Gia đình đưa bà đi bệnh viện điều trị được một thời gian thì bệnh viện trả về vì quá nặng. Nghe đồn thầy Thái ở Phú Yên có bài thuốc gia truyền khắc chế được bệnh xơ gan nên trước tết vừa rồi tôi vào cầu cứu. Khi nghe tôi kể lại bệnh, thầy đưa cho tôi 20 thang thuốc rồi bảo mang về cho mẹ uống. Đến nay sau 2 tháng uống thuốc, sức khỏe mẹ tôi đã dần dần khá hơn”.

Ông Phan Thanh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Đông Y huyện Đồng Xuân cho biết: “Già Thái là một người tài năng đức độ nổi tiếng trong vùng. Dù có tài trong nghề thuốc Nam với những phương thuốc gia truyền nhưng ông lại chọn lối sống ẩn dật nơi thôn làng hẻo lánh. Nhiều lần Hội Đông y mời già về cơ quan công tác nhưng ông đều khước từ vì muốn sống gắn bó với đồng bào. Bao nhiêu năm qua thầy Thái đã cứu chữa cho không biết bao nhiêu bệnh nhân mắc bệnh nan y mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Già Thái có 3 người con và tất cả đều đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên chẳng có ai theo cha học nghề thuốc vì nghề khó học, đòi hỏi niềm say mê và lòng thương người. Già Thái từng chọn một số người trong họ để truyền nghề nhưng đến nay không có ai làm được. Biết nghề gia truyền đến một ngày sẽ mất đi, già Thái chắt chiu quãng đời còn lại tận tâm cứu người. Ngày ngày vị “thần y” gương mặt hiền từ, râu tóc bạc phơ ấy vẫn say sưa nghề thuốc.