Thận trọng với việc tung tiền cho vay

ANTD.VN - 10 tháng đầu năm 2017, tín dụng ước tăng 13,5%. Có vẻ như, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% mà Chính phủ đặt ra cho ngành ngân hàng đang trở nên quá sức.

Thận trọng với việc tung tiền  cho vay ảnh 1

Nếu cứng nhắc mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% sẽ gây khó và rủi ro cho các ngân hàng

Khó cán đích

Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tính đến hết tháng 10-2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm trước, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).

Những con số trên cho thấy, tăng trưởng cho vay đang nhiều hơn huy động. Từ nay đến cuối năm, để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng sẽ phải đẩy ra một lượng tín dụng nhiều hơn nữa vào nền kinh tế. Điều này sẽ gây khó khăn cho một số ngân hàng trong việc huy động vốn. 

Dù nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ tăng khoảng 4% trong 2 tháng cuối năm là “quá sức” với hệ thống ngân hàng. Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chỉ còn khoảng 45 ngày trong khi đang thiếu tới 7%. “7% trên tổng dư nợ 6 triệu tỷ đồng, tức khoảng 400 - 500 nghìn tỷ đồng. Đưa một lượng tiền lớn như vậy vào lưu thông trong khoảng 45 ngày không phải dễ dàng. Đó là con số quá lớn và có thể gây ra lạm phát trong tương lai” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng chỉ kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế trong quý IV-2017 là 6%. Mức tăng trưởng cho cả năm 2017 được kỳ vọng là 17%.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, mục tiêu này là “không cần thiết”. Theo chuyên gia này, việc nâng tăng trưởng tín dụng của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7% năm 2017.

“9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 6,41%, con số này không còn quá xa mục tiêu 6,7%. Nếu 3 tháng cuối năm chúng ta chỉ cần phấn đấu tăng trưởng đạt khoảng 7,47-7,5% thì sẽ đạt được. Vì vậy, không cần thiết đẩy một lượng tín dụng quá lớn như vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế” - vị chuyên gia nêu quan điểm.

Cân nhắc nắn dòng chảy tín dụng

Các chuyên gia cảnh báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% chỉ là một trong những giải pháp kích thích cho tăng trưởng nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu thúc ép tăng trưởng tín dụng phải đạt được con số 21% có thể sẽ khiến thị trường mất kiểm soát nguồn vốn, chất lượng cũng như thiếu sự hài hòa. 

Đặc biệt, các chuyên gia cũng lo ngại tín dụng không đi đúng hướng, nhất là khi hai thị trường chứng khoán và bất động sản đang có khả năng hấp thụ vốn rất lớn. Dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định đã kiểm soát tốt tín dụng bất động sản nhưng thị trường này không phải đã hết rủi ro.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 10 tháng đầu năm, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%). Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

Nhìn vào con số này, có thể thấy, tín dụng bất động sản đã được điều chỉnh, tuy nhiên thực tế, gần đây đang có sự dịch chuyển một lượng tín dụng lớn từ bất động sản sang tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, các khoản vay mua, sửa chữa nhà ở thay vì được xếp vào tín dụng bất động sản thì nay được các ngân hàng chuyển sang tín dụng tiêu dùng. 

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều này là không phù hợp. “Mục đích của những khoản vay này là mua nhà, xây nhà, tài sản thế chấp cũng là nhà cửa. Như vậy, thực chất mục đích lẫn tài sản bảo đảm đều là bất động sản, thì đáng lý phải phân loại là tín dụng bất động sản” - ông nói.

Vì vậy, nếu đưa những khoản vay mua, sửa chữa nhà ở vào bất động sản thì tín dụng bất động sản không phải con số như thống kê mà có thể cao hơn nhiều. Điều này không chỉ các cơ quan chức năng mà chính các ngân hàng có thể cũng sẽ không đánh giá chính xác mức độ tập trung tín dụng của mình để kiểm soát rủi ro.