Thận trọng nhưng thiếu sáng tạo

ANTĐ - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo đầu tiên về “Chỉ số kinh doanh Việt Nam” năm 2013. Nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang cần hỗ trợ định hướng kinh doanh mới cũng như cần được củng cố thêm niềm tin.

Theo báo cáo “Chỉ số kinh doanh Việt Nam” năm 2013, so với các nước trong nhóm ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), ở giai đoạn đầu, tỷ lệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam không quá 1%, chỉ cao hơn so với Philippines và thấp hơn 4 quốc gia còn lại, nhất là so với Singapore (9,1%). Nếu so sánh với các nước trên thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp. Thực trạng này lý giải vì sao có sự khác biệt lớn về kinh doanh giữa Việt Nam và các nước. 

Trong khi ở các  quốc gia khác, các hoạt động kinh doanh mới thường hướng đến các sản phẩm và thị trường mới thì ở Việt Nam lại ngược lại. Chỉ có 4,6% hoạt động kinh doanh mới hướng đến sản phẩm mới; 0,3% hoạt động kinh doanh mới đối với thị trường và 11,4% sử dụng công nghệ mới. Ở các hoạt động kinh doanh đã phát triển, tỷ lệ    hoạt động kinh doanh mới lần lượt là: 2,4% về sản phẩm, 4% về thị trường và 3,7% về công nghệ. Kết quả khảo sát chứng tỏ phần lớn doanh nghiệp Việt Nam không đổi mới trong kinh doanh.  

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát, doanh nhân Việt Nam rất thận trọng khi bắt tay vào kinh doanh. Tỷ lệ người trưởng thành nhận thấy có cơ hội để bắt đầu một việc kinh doanh mới ở Việt Nam trong năm 2013 chỉ đạt 36,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 60,8% của các nước đang trong giai đoạn phát triển tương tự như Việt Nam khi mà tăng trưởng kinh tế dựa trên các yếu tố đầu vào. Chỉ số lo sợ thất bại của Việt Nam là 56,7%, cao hơn mức trung bình của nhiều nước phát triển khác. Nguyên nhân chủ yếu là giai đoạn 2010-2013 đã chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, lạm phát cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tụt giảm khiến thị trường đầu ra bị thu hẹp, tình trạng tồn kho, nợ xấu trở thành hai “cục máu đông” khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và giải thể. 

Đánh giá về điều kiện kinh doanh, trong số 12 chỉ số, chỉ có 3 chỉ số là: cơ sở hạ tầng; năng động của thị trường nội địa; văn hóa và chuẩn mực xã hội đạt trên mức trung bình (3 điểm). 9 chỉ số còn lại, trong đó có dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như tư vấn, pháp lý, kế toán, kiểm toán vẫn chưa phát triển tương xứng, ở dưới mức trung bình. 3 vị trí cuối cùng về điều kiện kinh doanh lần lượt là: Chương trình hỗ trợ của Chính phủ - tài chính cho kinh doanh và giáo dục kinh doanh ở bậc phổ thông. Điều này cho thấy phần nào sự thiếu hụt các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kinh doanh ở nước ta hiện nay. 

Báo cáo “Chỉ số kinh doanh Việt Nam” lần đầu tiên được công bố cho thấy đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng được coi trọng. Báo cáo cũng khuyến nghị cần xây dựng lòng tin cho người làm kinh doanh như tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, minh bạch hóa các chính sách, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế.

“Cần thừa nhận tính sáng tạo và mạo hiểm trong kinh doanh ở người Việt Nam không cao, vì thế rất nhiều người tham gia kinh doanh sản phẩm ở phân đoạn thị trường khi thấy những người khác đã thành công”- đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI nhận xét.